Qua công tác khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia và hướng dẫn của Bộ Xây dựng ở địa phương tỉnh Kon Tum còn gặp một số khó khăn, vướng mắc: Thứ nhất, trong quá trình thực hiện trên địa bàn, có phát sinh một số trường hợp: (1) Một số hộ nghèo, cận nghèo có trong danh sách được phê duyệt đã được hỗ trợ từ chương trình khác, chuyển đi nơi khác sinh sống hoặc đã thoát nghèo thì không thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định số 90/QĐ-TTg và Thông tư 01/2022/TT-BXD; (2) Phát sinh mới một số hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn nhà ở nhưng nằm ngoài danh sách được phê duyệt. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 01/2022/TT-BXD: “Trình tự xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở: ... Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp và phê duyệt danh sách báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp phải điều chỉnh lại danh sách thì phải phê duyệt lại và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”; việc điều chỉnh, phê duyệt lại danh sách được thực hiện trong thời gian Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở; vì vậy, địa phương không có cơ sở để xem xét, điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở (điều chỉnh danh sách các hộ nghèo, cận nghèo kèm theo Đề án).
Quang cảnh Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6
Thứ hai, Hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 được hỗ trợ vốn từ hai nguồn: ngân sách nhà nước và vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ. Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì chỉ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (không được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP). Do vậy, trong quá trình thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo có sự so sánh của các hộ dân, các cấp chính quyền địa phương khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động. Đồng thời, hộ dân không có thêm kinh phí để xây dựng nhà ở nhằm nâng cao diện tích, chất lượng.
Đại biểu Phạm Đình Thanh đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước mắt, cần có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nêu trên) giúp địa phương có cơ sở triển khai thực hiện theo đúng quy định hiện hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo. Trong thời gian tới cần xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2022/TT-BXD theo phương án: Bổ sung nội dung điều chỉnh danh sách sau khi Đề án đã được phê duyệt theo hướng: Giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tổng hợp danh sách các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ nhà ở và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt nhưng tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước không vượt tổng vốn đã được xác định tại Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; Và đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho phép các hộ nghèo, cận nghèo ngoài việc được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP nhằm có thêm kinh phí để xây dựng nhà ở từng bước nâng cao diện tích, chất lượng nhà ở./.