banner
Thứ 7, ngày 23/11/2024
Khắc phục hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
30-10-2023
Sáng ngày 30/10/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh và 20 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu và tranh luận.
Khắc phục hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận

Đại biểu Phạm Đình Thanh đánh giá rất cao tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của hoạt động giám sát tối cao việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thống nhất với báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát. Từ thực tế giám sát, khảo sát, đánh giá thực trạng kết quả triển khai thực hiện 3 chương trình này ở một số địa phương và ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm quan tâm chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay như sau.

ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận

Thứ nhất, hiện nay một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia có sự trùng lặp về mục tiêu, nội dung, đối tượng thụ hưởng đã gây lúng túng trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn của các chương trình. Riêng chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo báo cáo giám sát thì kết quả giải ngân nguồn vốn từ năm 2022 đến tháng 6/2023 đạt 18,9% so với kế hoạch trung hạn, giải ngân vốn sự nghiệp năm 2022 đạt 5,2%, năm 2023 tính đến ngày 30/6/2023 mới giải ngân được 3,9% kế hoạch năm, kết quả giải ngân như thế là rất thấp.

Về nội dung trùng lặp dự án các chương trình hiện nay, cụ thể như: Dự án hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh các nội dung trùng lặp nêu trên cần phải được tích hợp để tổ chức thực hiện tại một chương trình cụ thể. Đồng thời, cần có các hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp cho các địa phương thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Thứ hai, hiện nay nhiều hộ dân ở các xã được xếp là xã khu vực 1, xã đạt nông thôn mới nhưng đời sống của họ thực sự còn gặp khó khăn, không tiếp tục được hưởng các chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở, về y tế, về giáo dục thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Nếu Nhà nước không sớm có chính sách phù hợp để tiếp tục hỗ trợ cho họ thì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện rõ rệt đời sống người dân được xác định tại Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó có thể đạt được.

Quang cảnh Phiên thảo luận

Thứ ba, quy định về tỷ lệ nguồn vốn đối ứng thuộc trách nhiệm của địa phương khi thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang tạo áp lực rất lớn đối với các tỉnh nghèo, khó khăn về nguồn thu, cần được tính toán, điều chỉnh phù hợp hơn nhằm giúp cho các địa phương, nhất là các tỉnh nghèo đủ khả năng thực hiện.

Thứ tư, theo đại biểu Phạm Đình Thanh rất là quan trọng, đó là về năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức (nhất là cấp xã). Quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia có rất nhiều xã, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thiện được hồ sơ các dự án thuộc trách nhiệm của cấp mình, phải nhờ các phòng, ban của huyện, thậm chí cấp tỉnh giúp hoàn thành. Vấn đề này trước mắt cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giúp cho họ hoàn thành nhiệm vụ được giao; nhưng về lâu, về dài cần phải có giải pháp căn cơ để xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức thực sự có năng lực, trách nhiệm, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trên từng cương vị công tác. Cấp nào cũng phải có trách nhiệm thực hiện hoàn thành 100% khối lượng công việc của cấp mình. Khắc phục tình trạng cấp trên làm thay nhiệm vụ của cấp dưới như thực tế ở một số địa phương hiện nay.

Hồ Nam, VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ về một số cơ chế, chính sách đặc thù
Icon Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Icon Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm một số vấn đề về kinh tế-xã hội của đất nước
Icon Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 6
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia các dự án luật
Icon Một số kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công trình thuỷ điện Đăk Đrinh
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE