Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế, làm việc tại Nhà máy tinh bột sắn, Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Lợi, Đại Lợi, điểm mỏ khai thác khoáng sản, trang trại chăn nuôi heo và dự án khu liên hiệp xử lý chất thải rắn liên hợp huyện Ngọc Hồi. Vào buổi chiều ngày 24/5/2024, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND huyện, dự buổi làm việc có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường; Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn của huyện có liên quan.
Qua khảo sát thực tế và báo cáo của UBND huyện cho thấy, huyện đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020, qua đó người dân đã từng bước thay đổi về nhận thức trong công tác xử lý rác thải và bảo vệ môi trường sống; công tác đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện; chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường được Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện thu gom và đưa về Khu xử lý rác thải tập trung của huyện tại thôn 2, xã Đăk Kan, hình thức xử lý chôn lấp; chất thải nguy hại được thu gom và xử lý tại Cụm xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi và được đăng ký chủ nguồn thải, thu gom, quản lý và xử lý...
Để giải quyết tình trạng quá tải tại bãi xử lý rác hiện nay, UBND huyện đã đầu tư xây dựng công trình Khu xử lý chất thải rắn liên hợp huyện Ngọc Hồi với diện tích khoảng 35.000 m2, công suất từ 40 đến 50 tấn/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2024 và thu hút được nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải với quy mô 75 tấn/ngày, đêm sử dụng công nghệ vi sinh kết hợp đốt.
Đoàn khảo sát thực tế khu xử lý nước thải trang trại chăn nuôi heo. Ảnh: QV
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt bừa bãi, lạm dụng các loại thuốc trừ sâu, việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đạt tỷ lệ thấp... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn huyện còn lúng túng; vẫn còn có một số cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, chưa tuân thủ nghiêm túc quy định bảo vệ môi trường nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhà máy chế biến cao su vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong nhân dân; nhân lực làm công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện và các xã còn hạn chế về số lượng, về chuyên môn nên việc tiếp cận, xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác bảo vệ môi trường chưa hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế mà đoàn khảo sát thực tế tại một số đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường, trong đó phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền khi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Sâu, sát hơn nữa công tác đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường và đăng ký môi trường trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ từ khâu thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Giấy phép môi trường, nhất là hoạt động xả thải của các dự án đầu tư có phát sinh nước thải ra môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, các trang trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm để đánh giá mức độ gây ô nhiễm, từ đó có biện pháp, kế hoạch thực hiện giảm thiểu tác động đến môi trường trong khu vực dự án cũng như khu vực xung quanh. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ huyện tới xã để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.