Các đại biểu Quốc hội cơ bản đánh giá cao và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo luật. Đồng thời, phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, thiết thực cả về nội dung mang tính quan điểm, nguyên tắc, cơ chế pháp lý, cả về chi tiết từng điều khoản quy định cụ thể của dự thảo. Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến cả về nội dung pháp lý và kỹ thuật lập pháp và cũng có nhiều đại biểu không chỉ góp ý để hoàn chỉnh dự thảo luật mà còn góp ý nhiều ý kiến thiết thực để hoàn thiện, đồng bộ các chính sách, pháp luật có liên quan để bảo đảm tính khả thi của dự thảo luật. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thay mặt cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH
Góp ý nội dung về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Tô Văn Tám cho biết, tại điểm a, khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật quy định: Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên”. Đại biểu Tô Văn Tám bày tỏ băn khoăn quy định này khi không quy định rõ “thỏa thuận bằng tên gọi khác” có thể là thỏa thuận miệng sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, đề nghị cân nhắc để đảm bảo tính khả thi của luật khi thực hiện trên thực tế. Đồng thời nên hoàn thiện quy định, chính sách, cơ chế để thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện trước khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về chế độ hưu trí, hiện nay theo quy định hiện hành đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Luật Lao động là 60 tuổi và 62 tuổi và đủ năm đóng bảo hiểm là 35 năm và 30 năm, nếu chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì trừ 2% một năm và đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng bảo hiểm cao hơn 35 năm và 30 năm thì được hưởng trợ cấp một lần quy định ở khoản 1, khoản 2 Điều 72. Vấn đề ở đây là thị trường lao động hiện nay Luật Lao động cho phép lao động từ 15 tuổi tham gia thị trường lao động, như vậy họ tham gia đóng bảo hiểm rất sớm. Những người tham gia bảo hiểm sớm, khả năng họ sẽ vượt thời gian đóng bảo hiểm 30, 35 năm là rất lớn. Ví dụ, một lao động nữ tham gia lúc 18 tuổi, tham gia bảo hiểm và tham gia lao động họ đóng 37 năm bảo hiểm, họ dư 7 năm, nhưng họ mới 55 tuổi, bây giờ muốn nghỉ thì họ bị giảm mất 10%, chỉ được hưởng 65%, 7 năm đóng dư đó họ lại được trả lại. Như vậy, tiền lương hưu họ sẽ thấp đi, bởi vì họ chỉ có 65%. Thay vì như thế, như các đại biểu trước cũng đã đề xuất, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy đổi số dư này ra năm đóng bảo hiểm. Nếu 7 năm đó quy đổi đủ cho 5 năm của họ, như vậy họ được 75%; nếu quy đổi không đủ thì trừ %, như thế sẽ đảm bảo hơn cho quyền lợi của người lao động và sẽ thúc đẩy họ tham gia thị trường lao động tốt hơn./.