Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận, phân tích toàn diện tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024 và thống nhất đánh giá: mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do giá tiêu dùng, giá nguyên vật liệu tăng, số doanh nghiệp đăng ký giải thể, tạm dừng hoạt động nhiều hơn số thành lập mới… nhưng kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tiếp tục phát triển khá, các chỉ tiêu quan trọng của tỉnh cơ bản đảm bảo tiến độ thực hiện và có mức tăng cao so với cùng kỳ như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 13.006 tỷ đồng (tăng 23,4%); 173 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 21,8%); thành lập mới 25 hợp tác xã (tăng 17,6%); kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng với giá trị 175 triệu USD (tăng 9,4%); kim ngạch nhập khẩu 3,25 triệu USD (tăng 16,1%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước khoảng 19.056,5 tỷ đồng (tăng 12,1%); thu hút được 1.445.000 lượt khách (tăng 51,1%); chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,5%; các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, đầu tư; dịch bệnh được kiểm soát tốt…
Về hoạt động giám sát, HĐND tỉnh đã xem xét và tán thành với báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các Đoàn giám sát của HĐND, các cơ quan của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đảm bảo việc bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân là mục tiêu hàng đầu.
HĐND tỉnh đã tổ chức Phiên chất vấn và xem xét trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND tỉnh và một số thành viên UBND tỉnh về 08 vấn đề được các đại biểu và cử tri quan tâm (gồm có: Về công tác hỗ trợ đánh giá, công nhận lại quá trình khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; Việc trợ cấp gạo cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng chênh lệch cho các hộ dân trên địa bàn huyện Kon Plông; Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh; về tiến độ thực hiện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024; Về chỉ tiêu thành lập mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Về công tác bảo vệ môi trường trong các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh; Về triển khai các hoạt động của nội dung “cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025). HĐND tỉnh đã biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Cũng tại kỳ họp, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, tham gia đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, thống nhất thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 và 30 nghị quyết chuyên đề, trong đó có những nội dung quan trọng như: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sửa đổi, bổ sung Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, quyết định một số nội dung liên quan đến đầu tư công và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh...
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang phát biểu bế mạc kỳ họp
Phát biểu bế mạc kỳ họp, thay mặt HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang ghi nhận và đánh giá cao kết quả chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý khối lượng công việc từ nay đến cuối năm 2024 còn rất lớn, đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hành động quyết liệt, quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra. Trong đó quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch các vùng của huyện, quy hoạch chung xây dựng xã và các nội dung quy hoạch, kế hoạch quan trọng khác của tỉnh, trên cơ sở đó sớm có kế hoạch, giải pháp cụ thể để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho thực hiện quy hoạch, trước hết là vốn cho các chương trình, dự án trọng điểm, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã đề ra. Triển khai ngay công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến toàn thể các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh các quy định mới của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024) để Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu và nắm chắc quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình, đồng thuận và tích cực thực hiện, góp phần để các luật này được triển khai thông suốt trong thực tiễn, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương rà soát kế hoạch, phương án và chủ động bố trí nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, quán triệt nghiêm quan điểm chỉ đạo chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm “04 tại chỗ”, công tác dự báo phải được thực hiện từ sớm, từ xa, đánh giá đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ và lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong các hoạt động của phòng, chống thiên tai; trong đó cần hết sức quan tâm công tác vận hành liên hồ chứa của các công trình thủy điện, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc điều tiết nước, xả lũ của các công trình thủy điện đến công trình nhà ở, đất sản xuất và đời sống của Nhân dân. UBND tỉnh, các cấp, các ngành triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giá cả trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, không để hành vi thao túng giá cả trên thị trường sau khi lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, các mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công, mức chuẩn trợ giúp xã hội được điều chỉnh tăng (từ ngày 01/7/2024).