Theo thẩm quyền đã được phân cấp quản lý, các đơn vị, các địa phương liên quan đã phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị trực thuộc, chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyển dụng theo quy định. Đến hết tháng 4/2024, số viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) được tuyển dụng là 11.716 người; số hợp đồng lao động (theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ) hưởng lương từ NSNN đã được ký hợp đồng lao động 38 người.
Công tác tuyển dụng được công khai, minh bạch. Việc bố trí, sử dụng viên chức bảo đảm phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, trình độ đào tạo nên hầu hết đã phát huy được năng lực, sở trường. Chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục và giáo viên hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định. Công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đã được quan tâm thực hiện.
Thực hiện tinh giản biên chế, các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình, giữ ổn định biên chế và bổ sung giáo viên. Trong 2 năm (2022 và 2023), Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố Kon Tum đã điều động, luân chuyển 621 lượt viên chức; bổ nhiệm và bổ nhiệm lại 128 lãnh đạo, quản lý; biệt phái 19 trường hợp là nhằm bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp tương ứng giữa các đơn vị và khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ; giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và viên chức có hoàn cảnh khó khăn an tâm công tác; qua đó, từng bước thực hiện giảm 10% biên chế vào năm 2026 theo lộ trình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyển dụng viên chức ở vùng khó khăn thiếu hụt nguồn dự tuyển. Thời gian tổ chức tuyển dụng viên chức chậm hơn so với thời điểm khai giảng năm học mới đã gây khó khăn cho việc sắp xếp, bố trí công tác cho người trúng tuyển. Đến nay, còn 410 người chưa được tuyển dụng; 796 người chưa ký hợp đồng lao động. Việc tổ chức xét nâng hạng chức danh nghề nghiệp hoặc chuyển xếp chức danh nghề nghiệp tại một số địa phương chưa kịp thời. Số điểm trường lẻ vẫn còn nhiều. Việc sáp nhập các trường liên cấp còn mang tính cơ học; một số điểm trường có khoảng cách xa nhau gây khó khăn trong công tác quản lý.
Nguyên nhân chính là do thời gian tổ chức tuyển dụng viên chức chưa phù hợp. Công tác nghiên cứu, xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về số lượng người ký kết hợp đồng lao động làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chuyên môn dùng chung thuộc lĩnh vực giáo dục chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với điều kiện thực tế; việc ban hành định mức về số lượng học sinh/lớp còn chậm. Một số giáo viên đã tự nguyện xin nghỉ việc gây khó khăn trong công tác quản lý, ổn định đội ngũ giáo viên của các trường. Trong khi đó, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, địa bàn rộng, quy mô trường, lớp còn nhỏ lẻ, nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế; điều kiện sinh hoạt của giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Mặt khác, tỉnh Kon Tum chưa có chính sách ưu tiên, chính sách thu hút đối với sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi hoặc tốt nghiệp sau đại học về công tác tại địa phương.
Để khắc phục những hạn chế trong việc tuyển dụng, sử dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tỉnh sớm ban hành quy định số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm cơ sở tuyển dụng; xem xét, cắt giảm số lượng viên chức được giao đối với các đơn vị, địa phương còn số lượng nhiều viên chức được giao nhưng không tiếp tục tuyển dụng để phân bổ cho các đơn vị địa, phương có nhu cầu trong những năm tiếp theo. Đồng thời, thay đổi thời gian và phương thức tổ chức tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục để đảm bảo cân đối nguồn thí sinh đăng ký dự tuyển giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố để hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cấp học; phân công hợp lý số giáo viên đảm nhận nhiệm vụ tại các điểm trường lẻ (điểm trường thôn, làng), nhất là điểm lẻ có lớp ghép 3 độ tuổi (bậc Mầm non), lớp ghép 02 nhóm trình độ (bậc tiểu học); nghiên cứu phương án đặt hàng đào tạo giáo viên tại các trường đại học để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh hiện nay. Trong quá trình sáp nhập các trường liên cấp cần quan tâm đến khoảng cách địa lý; tránh tình trạng sáp nhập cơ học một số trường có khoảng cách xa nhau gây khó khăn trong công tác quản lý và việc đi lại, học tập của học sinh. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đặc thù để ưu tiên, thu hút nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giáo dục và đào tạo tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.