Đoàn khảo sát đã làm việc trực tiếp tại các hộ dân, UBND 10 xã, thị trấn, UBND các huyện Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Ia H’Drai, Sa Thầy, Đăk Glei, Ban Dân tộc tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đồng thời xem xét báo cáo của các huyện còn lại.
Kết quả khảo sát cho thấy thời gian qua các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, nghiêm túc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương; Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan chủ trì Chương trình MTQG) và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã ban hành hướng dẫn để các huyện, thành phố triển khai, thực hiện; công tác rà soát, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách được thực hiện kịp thời; việc thông tin tuyên truyền về chính sách để Nhân dân biết, ủng hộ, tham gia giám sát được các cơ quan, đơn vị chú trọng triển khai; công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ ngân hàng, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn được triển khai kịp thời; hồ sơ, thủ tục vay vốn được thiết kế đơn giản, dễ thực hiện và thường xuyên cập nhật thông tin các chương trình tín dụng, mức vay, thời hạn vay, quy trình, thủ tục vay vốn...
Giai đoạn 2022 - 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân 158.349 triệu đồng cho 3.495 hộ gia đình nghèo vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề (trong đó: Cho vay hỗ trợ đất ở 136 hộ, kinh phí giải ngân 6.745 triệu đồng; Cho vay hỗ trợ nhà ở 2.744 hộ, kinh phí giải ngân 109.590 triệu đồng; Cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề 615 hộ, kinh phí giải ngân 42.014 triệu đồng); doanh số thu nợ là 1.098 triệu đồng (khách hàng trả nợ theo phân kỳ); dư nợ 157.251 triệu đồng; đạt 148,3% so với kế hoạch vốn được giao.
Trong quá trình triển khai chính sách đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), Tổ tiết kiệm và vay vốn trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng thụ hưởng chính sách chấp hành việc trả nợ, gốc, lãi, hướng dẫn các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, phối hợp với các cấp ngân hàng để giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình cho vay...
UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành tăng cường công tác phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các cơ quan có liên quan tiến hành xây dựng, phát huy hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách. Quy trình, thủ tục cho vay, quản lý vốn vay, tổ chức giao dịch tại xã được thiết kế có sự tham gia trực tiếp của người dân với vai trò vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể kiểm tra, giám sát, qua đó phát hiện, xử lý kịp thời sai sót.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác rà soát, tổng hợp, phê duyệt nhu cầu của các đối tượng được thụ hưởng chính sách tại một số địa phương chưa kịp thời, chưa sát với nhu cầu thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung quyết định phê duyệt; đối tượng thụ hưởng tiếp cận vay vốn đạt tỉ lệ thấp, có nơi rất thấp; nhu cầu vay vốn đối với chương trình vay vốn theo nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý và hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế; hồ sơ, danh sách rà soát đề nghị phê duyệt nhu cầu vốn vay ưu đãi tại các xã còn nhầm lẫn với mẫu của chính sách hỗ trợ khác; việc tư vấn, hướng dẫn cho người dân về chính sách tại một số đơn vị chưa hiệu quả; việc họp xét, duyệt các hộ thoát nghèo trong năm chưa dựa trên cơ sở chất lượng cải thiện đời sống từ hiệu quả vốn vay mà chỉ căn cứ vào vốn vay của người dân; mức cho vay hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo còn thấp.
Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị các cấp, ngành làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách tại địa phương, nhất là ở cơ sở, trong đó cần giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và xử lý nợ bị rủi ro; thường xuyên rà soát, phê duyệt đối tượng thụ hưởng và nhu cầu vốn để kịp thời giải ngân cho đối tượng thụ hưởng; công khai các chính sách tín dụng mới tại trụ sở UBND cấp xã, và các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn; khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, đầu tư hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý, hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc chương trình mục tiêu quốc qia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng, ưu đãi để Nhân dân biết, tham gia và giám sát; làm tốt việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu thực hiện chính sách.