Tại Phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến về hành vi bị nghiêm cấm; về chế độ, chính sách người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân; về độ tuổi huy động lực lượng phòng không rộng rãi;... Theo đại biểu Tô Văn Tám, chế độ, chính sách người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân, tại khoản 1 và khoản 2, Điều 43 đã quy định cụ thể cho những người được hưởng lương từ ngân sách và người không hưởng lương từ ngân sách. Theo đó, khi được huy động làm nhiệm vụ phòng không nhân dân thì được hưởng nguyên lương và các loại phụ cấp khác ở khoản 1 và được chi trả tiền công lao động theo ngày huy động, đảm bảo không thấp hơn mức tiền công hiện hưởng quy định ở khoản 2 cho những người không hưởng lương. Tuy nhiên, những người lao động tại các doanh nghiệp khi được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân thì chưa được quy định được hưởng chế độ như thế nào và ai sẽ chi trả? Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần quy định theo hướng khi người lao động tại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân thì được hưởng nguyên tiền lương, tiền công và các phúc lợi khác của doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả;...
Đại biểu Trần Thị Thu Phước phát biểu thảo luận xây dựng luật
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp tục tham gia gần 4 Phiên thảo luận tại Tổ 8 cùng các đại biểu Quốc hội các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ đối với các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Các dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng và Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tại các Phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã phát biểu 5 lượt tham gia 17 ý kiến thảo luận đối với các nội dung này.
Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu ý kiến xây dựng luật
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất việc xem xét thông qua Luật này trong một kỳ họp (kỳ họp thứ 8 này); Đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách phù hợp như nhân hệ số để tính thêm thời gian công tác đối với các trường hợp sỹ quan quân đội công tác ở vùng biên giới, hải đảo... hoặc cho phép tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện (sau khi đến tuổi nghỉ hưu) đối với các trường hợp chưa đủ 35 năm công tác để đủ điều kiện hưởng lương hưu là 75% khi sỹ quan quân đội nghỉ hưu; Quy định trần quân hàm và chức vụ tương đương đối với lực lượng bộ đội biên phòng với đặc điểm công việc phức tạp, vị trí đóng quân ở vùng khó khăn gian khổ, có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Chức vụ và trần quân hàm của lãnh đạo, chỉ huy Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện nên quy định và thực hiện tương đương như các chức vụ và trần quân hàm của lãnh đạo Công an cấp huyện ở cùng địa phương; Về chính sách nhà ở đối với gia đình sĩ quan quân đội;.... Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước đã phát biểu tham gia 3 ý kiến thống nhất giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền; Sớm sửa đổi Điều 25 Luật Công an nhân dân;...
Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước đã phát biểu tham gia 5 ý kiến thống nhất với phạm vi thí điểm được xác định trong Nghị quyết; Cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế bảo vệ cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao; Bổ sung cơ chế “tịch thu, tiêu hủy”;... Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến về phạm vi điều chỉnh; thời hạn thực hiện Nghị quyết; công tác báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết cho Quốc hội;.../.