Cử tri đề nghị Quốc hội thành lập các đoàn giám sát để tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện phức tạp kéo dài, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về nội dung này, Văn phòng Quốc hội có ý kiến như sau (Công văn số 351/VPQH-GS ngày 03/3/2014): Trong những năm vừa qua, Quốc hội đã ngày càng tăng cường công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trên hầu hết các lĩnh vực như đất đai, giải phóng mặt bằng, khoáng sản, môi trường… Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai” và thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật khiếu nại, tố cáo; tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật đất đai, Luật tiếp công dân… Tại các kỳ họp cuối năm, Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân hàng năm.
Thời gian qua, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng đã ngày càng quan tâm hơn đến công tác theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan. Ban dân nguyện cũng đã rất tích cực giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc đổi mới cách thức tiếp nhận, phân loại, đôn đốc xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức nhiều đoàn công tác đến giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo có nguyên nhân từ các chính sách về đất đai; từ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý ở một số nơi còn chưa đạt yêu cầu; vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức trực tiếp xử lý các công việc liên quan đến quyền và lợi ích của công dân sai phạm trong thực thi pháp luật nhưng chưa được xử lý triệt để, nghiêm khắc… đã dẫn tới tình trạng khiếu kiện phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vấn đề này đã được Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Ban soạn thảo Luật đất đai (sửa đổi) nghiên cứu, tiếp thu, xử lý trong quá trình thảo luận, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua Hiến pháp và Luật đất đai (sửa đổi). Đồng thời, Ban dân nguyện cũng đã giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát một số vụ việc cụ thể để Ủy ban thường vụ Quốc hội có điều kiện xem xét, tìm giải pháp khắc phục.
Trong thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu, giúp Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội triển khai việc thi hành Hiến pháp (sửa đổi); tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo có liên quan. Theo Chương trình công tác năm 2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tại phiên họp thứ 28 (tháng 5 - 2014), Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về việc các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tại phiên họp thứ 31 (tháng 9 – 2014), Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân năm 2014 để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII; bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường công tác đôn đốc, giám sát các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là những vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Tất cả những cố gắng đó, trong thời gian tới, hy vọng sẽ tạo chuyển biến nhất định trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt là những vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài./.