banner
Thứ 6, ngày 22/11/2024
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN, THƯ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP
19-11-2014
Tỉnh Kon Tum có 9 huyện, thành phố với 102 xã, phường, thị trấn (trong đó có 5 xã mới được thành lập theo Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ, chưa có HĐND). Công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân đã và đang được HĐND các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả. Thường trực HĐND các địa phương đã phát huy trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, phối hợp các Ban HĐND, đại biểu HĐND thực hiện hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và theo dõi, đôn đốc các tổ chức cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật. Coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu.
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN, THƯ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP

Thực tế hiện nay, ngoài các văn bản pháp luật chuyên ngành về giải quyết khiếu nại, tố cáo, hầu hết các Luật, Pháp lệnh điều chỉnh các quan hệ khác nhau trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Trên cơ sở các quy định của Luật, Nghị định về khiếu nại, tố cáo ở địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các hình thức, biện pháp và thủ tục áp dụng các quy định về khiếu nại, tố cáo. Đối với HĐND các cấp việc tiếp công dân đang được thực hiện trên cơ sở Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11, ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân; Thông tư số 07/2011/TT-TTCP, ngày 28/7/2011 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn quy trình tiếp công dân. Việc xử lý đơn, thư căn cứ vào các quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 HĐND các cấp đã xây dựng Quy chế phối hợp về hoạt động giám sát và tiếp công dân (với Đoàn đại biểu Quốc hội đối với cấp tỉnh) với Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh, các huyện, thành phố để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Ở cấp tỉnh, đã thành lập Trụ sở tiếp công dân để phục vụ cho Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND tỉnh tiếp công dân. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh đã bố trí phòng tiếp công dân tại trụ sở làm việc, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp công dân; biên chế 01 chuyên viên thuộc phòng Thông tin - Dân nguyện, giúp Thường trực HĐND tiếp công dân thường xuyên; tiếp nhận, tham mưu xử lý các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; theo dõi đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân sau khi chuyển đơn. Các huyện, thành phố đã bố trí phòng tiếp công dân tại Văn phòng HĐND và UBND huyện, làm nhiệm vụ tiếp công dân cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Các xã, phường, thị trấn đã bố trí phòng tiếp công dân tại trụ sở UBND xã, làm nhiệm vụ tiếp công dân cho Đảng ủy, HĐND và UBND cấp xã. Lịch tiếp công dân của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND đã được niêm yết công khai và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để mọi người dân được biết.

Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2013, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các cấp đã tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân kết quả đạt được như sau:

Thường trực HĐND, đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 65 buổi tiếp công dân (60 buổi định kỳ và 05 buổi đột xuất), tiếp 588 lượt người đến kiến nghị, phản ánh. Tại các buổi tiếp công dân, Thường trực HĐND đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng và tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thường trực HĐND đã giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật. Thông qua công tác tiếp công dân và các hình thức khác Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận 189 đơn, thư các loại, trong đó: 68 đơn khiếu nại, 33 đơn tố cáo, 88 đơn phản ánh, kiến nghị, trình bày. Qua xem xét phân loại, Thường trực HĐND tỉnh đã hướng dẫn, trả lời cho 17 trường hợp; chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết 38 đơn đủ điều kiện xử lý; lưu 134 đơn không đủ điều kiện xử lý (đơn có nội dung trùng lắp, đơn đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết trả lời nhiều lần, đơn nặc danh, đơn đã có thông báo chấm dứt thụ lý…). Cùng với việc chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản báo tin cho công dân biết về việc chuyển đơn và hướng dẫn công dân liên hệ trực tiếp với cơ quan do Thường trực HĐND chuyển đến để biết kết quả giải quyết. Qua theo dõi cho thấy hầu hết các đơn, thư do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đều được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định; công dân không có ý kiến phản hồi hoặc yêu cầu gì thêm sau khi được Thường trực HĐND tỉnh chuyển đơn. Các đơn, thư đã chuyển đều được theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời cho công dân biết khi có kết quả.

           Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các huyện, thành phố đã tổ chức 813 buổi tiếp công dân (trong đó Thường trực HĐND tiếp 637 buổi; đại biểu HĐND tiếp 176 buổi). Tiếp nhận và xử lý 1.070 đơn, thư các loại. Qua xem xét phân loại HĐND các huyện, thành phố đã chuyển đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết 747 đơn đủ điều kiện xử lý; lưu 323 đơn khổng đủ điều kiện xử lý. Qua theo dõi đôn đốc đã có 719 đơn có văn bản trả lời, 28 đơn chưa có văn bản trả lời.

          Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các xã, phường, thị trấn: đã tổ chức 6.784 buổi tiếp công dân (trong đó Thường trực HĐND tiếp 5.368 buổi; đại biểu HĐND tiếp 1.416 buổi). Tiếp nhận và xử lý 1.016 đơn, thư các loại. Qua xem xét phân loại HĐND đã chuyển đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết 710 đơn đủ điều kiện xử lý; lưu 306 đơn khổng đủ điều kiện xử lý. Qua theo dõi đôn đốc đã có 649 đơn chuyển có văn bản trả lời, 61 đơn chưa có văn bản trả lời.

Kết quả trên cho thấy công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư của HĐND các cấp đã và đang phát huy có hiệu quả; tinh thần, trách nhiệm của người đại biểu HĐND với cử tri ngày càng được nâng cao; công tác theo dõi, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan Nhà nước đối với công dân được tăng cường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn không ít những khó khăn, hạn chế đó là:

           Hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND được quy định tại Quy chế hoạt động của HĐND Ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI, trên thực tế một số nội dung khó thực hiện như quy định ngoài việc đại biểu thông qua Thường trực HĐND để chuyển đơn thì đại biểu có thể trực tiếp chuyển đơn tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và đôn đốc, theo dõi … quy định này chưa có hướng dẫn cụ thể về biểu mẫu cũng như tính pháp lý khi đại biểu chuyển đơn.

Công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư của công dân có liên quan hầu hết đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Yêu cầu này đòi hỏi đại biểu phải có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm cao, có kinh nghiệm và am hiểu pháp luật. Trên thực tế, do tính chất kiêm nhiệm và lĩnh vực công tác nên một số đại biểu chưa nắm bắt kịp thời về quy trình xử lý đơn, thư cũng như các thông tin vụ việc nên việc xử lý còn hạn chế.

Hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn, thư trong thời gian qua chủ yếu do Thường trực HĐND, các Ban HĐND, và đại biểu chuyên trách thực hiện, còn lại hầu hết các đại biểu khác chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp công dân.

Hoạt động giám sát nói chung và công tác giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng thường “đụng chạm” đến hoạt động, uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả giám sát, thường dẫn đến tâm lý “buông xuôi”, chủ yếu là chờ kết quả giải quyết của cơ quan chức năng.

Thông tin dữ liệu phục vụ cho hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư của đại biểu chưa đáp ứng yêu cầu (chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này).

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên đó là: Hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND chưa hoàn thiện. Các quy định về hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND (đặc biệt là đại biểu kiêm nhiệm) chưa cụ thể. Theo quy định hiện hành thì Thường trực HĐND có trách nhiệm tổ chức và đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất cho việc tiếp công dân của đại biểu HĐND khi đại biểu yêu cầu, trên thực tế ít có đại biểu yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này. Cơ sở pháp lý cho đại biểu HĐND thực hiện việc xử lý đơn, thư và theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn, thư của các cơ quan có thẩm quyền chưa đầy đủ (chưa có hướng dẫn cụ thể về Quy trình về xử lý đơn, thư đối với đại biểu HĐND các cấp; chưa có biểu mẫu cụ thể cho đại biểu kiêm nhiệm trong việc chuyển đơn…). Nhận thức về pháp luật khiếu nại, tố cáo của một bộ phận người dân chưa cao, chưa hiểu đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử nói chung và của đại biểu HĐND nói riêng. Họ cho rằng đại biểu HĐND có thể trực tiếp chỉ đạo giải quyết mọi vụ việc, dẫn đến tình trạng một số việc đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng pháp luật, hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn đến đại biểu yêu cầu chỉ đạo giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, nội dung trùng lắp và chuyển đơn nhiều lần.

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư của HĐND các cấp cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

1. Hoàn thiện các văn bản pháp lý: Quốc hội sớm ban hành Luật hoạt động giám sát của HĐND để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động giám sát nói chung và công tác giám sát giải quyết đơn, thư của công dân nói riêng. Trong đó quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của các bên; chế tài xử lý các chủ thể bị giám sát khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các kết luận giám sát.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo Điều 23, Luật tiếp công dân năm 2013.

3. Tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức hoạt động tiếp công dân theo Quyết định 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 về phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp công dân của Thủ tướng Chính phủ.

4. Cần phải có quy định cụ thể để có sự thống nhất trong công tác phối hợp xử lý, giải quyết đơn, thư giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (đối với cấp tỉnh), Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, UBND và các tổ chức chính trị - xã hội; phải xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết đơn, thư của công dân, nhằm thông tin kịp thời đến các đại biểu, người có thẩm quyền về quá trình xử lý và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, tránh tình trạng chuyển đơn chồng chéo hoặc đã hết thẩm quyền giải quyết.

5. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND, đại biểu HĐND trong hoạt động tiếp công dân, xứ lý đơn, thư và hoạt động giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn, thư của các cơ quan chức năng./.

Trọng Anh  
Tin liên quan:
Icon HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI BỔ SUNG NĂM 2013 VÀ VIỆC ĐƯA HIẾN PHÁP VÀO THỰC TIỄN CUỘC SỐNG Ở TỈNH TA
Icon SỰ LỰA CHỌN CỦA LỊCH SỬ
Icon Nâng cao chất lượng giám sát - nhìn từ thực tiễn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE