Đối với Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với tính chất là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước, hiệu lực của nó phải được đảm bảo bằng hiệu quả giám sát của các chủ thể giám sát và việc chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Dự thảo luật đã có những quy định về hiệu lực, hiệu quả của giám sát, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Tuy nhiên, để hoàn thiện các quy định này đề nghị bổ sung thêm quy định về một số nội dung sau: Thứ nhất, bổ sung thêm một khoản nêu vấn đề hiệu lực của hoạt động giám sát theo hướng hiệu lực của hoạt động giám sát được đảm bảo bằng hiệu quả hoạt động giám sát và việc thực hiện nghiêm chỉnh, đúng đắn và kịp thời các kiến nghị, kết luận, yêu cầu của kết quả giám sát. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của các chủ thể giám sát. Thứ hai, để chủ thể giám sát có thể theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kết luận của mình, đề nghị bổ sung thêm nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát theo hướng các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm lập kế hoạch và lộ trình thực hiện các kết luận, kiến nghị, nghị quyết, yêu cầu của chủ thể giám sát và thực hiện nghiêm chỉnh các kết luận, kiến nghị, yêu cầu, nghị quyết của chủ thể giám sát. Thứ ba, bổ sung thêm quy định về "trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ và không kịp thời trong kết luận, kiến nghị, nghị quyết giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý"; đề nghị bỏ quy định "phiên họp chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp", vì việc phát thanh, truyền hình trực tiếp hay không, nên quy định ở nội quy kỳ họp, hoặc trong quá trình xây dựng, thông qua chương trình kỳ họp.
Đối với Bộ luật dân sự (sửa đổi): Đề nghị ngôn ngữ dùng trong luật phải dễ hiểu; trong dự thảo luật dùng nhiều cụm từ còn mới với đại đa số người Việt Nam. Vì vậy, đề nghị bổ sung một điều giải thích từ ngữ. Đề nghị Nhà nước: Thừa nhận việc chuyển đổi giới tính; có quy định chẽ về quy trình xác định lại dân tộc của cá nhân để tránh việc lợi dụng việc xác định lại dân tộc để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, gây phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam; cần nghiên cứu xác định cụ thể những trường hợp được áp dụng tập quán đảm bảo tôn trọng phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc; Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành gồm pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; Bổ sung đối tượng người đang bị mắc một số bệnh vào đối tượng hạn chế năng lực hành vi dân sự; Đề nghị làm rõ nội hàm và cơ chế của việc áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử. Nếu chỉ quy định chung chung như trong dự thảo thì sẽ khó bảo đảm khách quan, công bằng cho tất cả các đương sự tham gia vào quá trình tố tụng...
Trong tuần, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh nghe Quốc hội trực tiếp chất vấn đối với 4 vị Bộ trưởng. Đối với Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc hội chất vấn về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; Thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; Giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường. Đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, Quốc hội chất vấn về giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; Trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; Việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hiệu quả sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ. Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận 02 vấn đề: Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình và sách giáo khoa gắn với việc thu hút những người có trình độ cao về công tác trong ngành sư phạm; Nguyên nhân chủ quan từ phía nhà trường đối với tình trạng bạo lực học đường gia tăng và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đoàn cũng chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những khó khăn, thách thức của nước ta khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, các giải pháp để hạn chế những khó khăn thách thức trên.
Ngày 08/6/2015, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có văn bản trả lời chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum về việc xây dựng Đề án “Về chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn”. Sau khi xin ý kiến Ban cán sự đảng Chính phủ, ngày 24/12/2013, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ đã trình Ban Bí thư. Căn cứ ý kiến của Ban Bí thư tại văn bản số 7105-CV/VPTW ngày 14/01/2014 của Văn phòng Trung ương Đảng, do tầm quan trọng và phạm vị của Đề án nên đã được Ban Bí thư cho đổi tên thành Đề án “Một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn”. Hiện nay, Đề án này đang được Bộ Nội vụ hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 2013. Còn đối với việc tăng thêm số lượng và bổ sung chức danh cán bộ, công chức cấp xã, Bộ Nội vụ trả lời như sau: Việc tăng thêm số lượng và bổ sung chức danh cán bộ, công chức cấp xã như bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy theo ý kiến của cử tri nêu phải trên cơ sở sửa đổi Điều 6 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, đồng thời việc tăng thêm số lượng và chức danh cán bộ, công chức cấp xã (đối tượng thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước) là không phù hợp với chủ trương tại các văn bản: Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11/11/2013 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 05/12/2014 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2014; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (hiện nay nếu tăng 01 chức danh cán bộ, công chức ở cấp xã sẽ làm tăng thêm 11.162 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền vấn đề này khi trình Đề án “Một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn”.