banner
Thứ 6, ngày 11/10/2024
Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
1-3-2016
Ngày 31/01/2016, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW về công tác công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo Hướng dẫn này, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 quy định như sau:
Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết tại kỳ họp. Ảnh (minh họa): Văn Minh

Về tiêu chuẩn chung:

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Về độ tuổi của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).

Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách:

Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Về trình độ, chức vụ:

+ Có trình độ đại học trở lên (đối với cấp tỉnh, cấp huyện); có khả năng tham gia xây dựng chính sách và tổ chức các hoạt động giám sát; có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến phân công.

+ Ở cấp tỉnh: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là tỉnh ủy viên (trong 02 đồng chí phó chủ tịch Hội đồng nhân dân có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy) giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức vụ trưởng phòng của sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

+ Ở cấp huyện: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là huyện ủy viên (trong 02 đồng chí phó chủ tịch Hội đồng nhân dân có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ huyện ủy), giữ chức trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức phó trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên.

Đối với các đồng chí dự kiến bố trí làm Trưởng các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện kiêm nhiệm, cần có năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.

+ Ở cấp xã: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là ủy viên ban thường vụ Đảng ủy xã; đối những nơi chưa có điều kiện có thể xem xét, giới thiệu đồng chí ủy viên ban chấp hành Đảng bộ xã. Căn cứ tình hình cụ thể, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã; phấn đấu lựa chọn cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực và khả năng phát triển.

- Về độ tuổi: (ngoài tiêu chuẩn chung về độ tuổi độ tuổi nêu trên).

+ Người lần đầu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân trở lên hoặc ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ; nếu tái cử thì thực hiện theo Chỉ thị số 36-CT/TW và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18/8/2014 của Ban Tổ chức Trung ương (nam sinh từ tháng 9/1958, nữ sinh từ tháng 9/1963 trở lại đây).

+ Cán bộ nữ thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, ngày 29/5/2015 của Chính phủ thì tuổi tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nếu sinh từ tháng 5/1961 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định của Bộ Luật Lao động.

+ Người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở những huyện, quận, phường thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ, một số trường hợp đặc biệt có thể áp dụng tương tự đối với đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách tái cử.

- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm giới thiệu nhân sự (tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở khám sức khỏe).

TTDN  
Tin liên quan:
Icon CHỌN NGƯỜI TRÁCH NHIỆM
Icon QUỐC HỘI VIỆT NAM 70 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Icon HÀO KHÍ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
Icon Tổng kết và trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam” tỉnh Kon Tum
Icon ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2015)
Icon Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015)
Icon Đảng Cộng sản Việt Nam và sự đòi hỏi tất yếu của lịch sử
Icon Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2015)
Icon CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 – 07/5/2014)
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE