banner
Thứ 5, ngày 9/1/2025
Bộ Công thương trả lời ý kiến cử tri liên quan đến các dự án thủy điện
20-10-2016
Cử tri tiếp tục đề nghị xem xét lại việc phê duyệt các dự án thủy điện; cần đảm bảo diện tích rừng đầu nguồn, quan tâm đến việc canh tác, định canh, định cư của người dân tại các vùng thực hiện thủy điện. Đồng thời kiểm tra chặt chẽ công quản lý, vận hành các thủy điện để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân..
Bộ Công thương trả lời ý kiến cử tri liên quan đến các dự án thủy điện

Bộ Công thương trả lời (Tại công văn số 6504/BCT-KH ngày 14/7/2016)

Với mục tiêu đảm bảo việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2012 về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện. Trong đó, Bộ Công Thương đã quy định, việc phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện phải đảm bảo các yêu cầu: Chỉ di dời tối đa 01 hộ dân và/hoặc chiếm dụng tối đa 10 ha đất các loại (gồm đất sông suối, đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, đất ở...) cho 01 MW công suất lắp máy, trừ các dự án thủy điện đa mục tiêu; thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật liên quan như: đánh giá tác động môi trường; bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư,...

Căn cứ quy định tại Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 5 năm 2013 và Thông tư số 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 7 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, các dự án thủy điện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng kể từ khi Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực, phải trồng rừng thay thế với diện tích tối thiểu bằng diện tích đã chuyển đổi. Đối với công tác này, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan để chỉ đạo, đôn đốc Chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện nghiêm túc.

Để tăng cường bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, các dự án thủy điện phải chi trả 20 đồng/kWh để chi trả cho các chủ rừng đầu nguồn của lưu vực dự án. Qua đó, đã góp phần tăng cường bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn và tăng thu nhập cho người dân tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân 01 hộ dân được chi trả thêm 1,8 triệu đồng/năm; tại một số địa phương có nhiều dự án thủy điện như tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Lai Châu, tỉnh Kon Tum thì mức chi trả cao hơn mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (200.000 đ/ha/năm).

Công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án thủy điện thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành (Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ...). Tuy nhiên, đối với các dự án thủy điện quan trọng quốc gia và các dự án đặc biệt khác (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục theo đề nghị của Bộ Công Thương), công tác di dân và tái định cư còn phải thực hiện chính sách đặc thù ban hành theo Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 18 tháng 02 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Công Thương đã thực hiện và đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét kỹ lưỡng và kiên quyết không phê duyệt quy hoạch, thông qua thiết kế các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đất đai và môi trường, xã hội. Đến thời điểm hiện nay, là năm thứ 3 liên tiếp triển khai thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 62 một cách đồng bộ, quyết liệt và đã đạt được những kết quả được Quốc hội và Chính phủ ghi nhận.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội.

Hồ Nam  
Tin liên quan:
Icon Một số vấn đề được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm
Icon Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
Icon Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
Icon Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nhiệp và phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Kon Tum
Icon Công an tỉnh Kon Tum trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X
Icon Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
Icon Cử tri các huyện, thành phố đề nghị giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị tại đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa X
Icon Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum tại Kỳ họp thứ 8 QH khoá XIII
Icon Bộ Công an và Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội trả lời kiến nghị cử tri Kon Tum trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
Icon Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời ý kiến cử tri tỉnh Kon Tum tại kỳ họp thứ 7
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE