banner
Chủ nhật, ngày 22/12/2024
Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nhiệp và phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Kon Tum
10-3-2015
Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nhiệp và phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Kon Tum
Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nhiệp và phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Kon Tum
Hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh

1. Cử tri kiến nghị:

Để xử lỷ mối quan hệ giữa quân hàm, chức vụ và lương sĩ quan, đồng thời góp phần bảo đảm chế độ, chính sách, phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, khoa học kỹ thuật; chuyên môn nghiệp vụ trong lực lượng vũ trang, đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xem xét tách lương ra khỏi cấp bậc hàm trong lực lượng vũ trang.  

* Bộ Quốc phòng trả lời:

- Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo (tại Thông báo số 111-TB/TW ngày 08/11/2012 và Thông báo số 147-TB/TW ngày 21/10/2013 của Bộ Chính trị) về việc nghiên cứu tách lương ra khỏi quân hàm để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang (LLVT) đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an; đồng thời, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách, phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong LLVT.

- Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị: Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Cải cách chính sách tiền lương Quân đội giai đoạn 2010 - 2020; quá trình triển khai thực hiện, đang từng bước tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về tách lương ra khỏi quân hàm đối với sĩ quan quân đội; nghiên cứu, xử lý mối quan hệ giữa lương và quân hàm; làm rõ những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc nảy sinh khi thực hiện việc tách lương ra khỏi quân hàm trong LLVT... để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII (tháng 11/2015) đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; trong đó, Luật đã đề cập đến nội dung cử tri nêu trên. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, sau khi có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước để bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ trong LLVT ngày càng tốt hơn theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn của đất nước.

2. Cử tri kiến nghị:

Thực trạng vũ khí, thiết bị kỹ thuật ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nhất là các đơn vị bộ binh lạc hậu so với các nước trong khu vực. Đề nghị nhà nước có chính sách đầu tư hơn nữa vũ khí, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nói riêng để đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

* Bộ Quốc phòng trả lời:

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, với quan điểm xây dựng Quân đội nhân dân VN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 16/3/2003 về Chiến lược trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2010 và những năm tiếp theo, nhằm duy trì và nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng, khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội; đến nay đã trang bị tương đối đầy đủ đồng bộ trang bị vũ khí cho các sư đoàn bộ binh đủ quân để huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu, tính năng kỹ chiến thuật tiên tiến, có loại vượt trội với các nước trong khu vực; Chúng ta đã và đang làm chủ về công nghệ, tự sản xuất được những chủng loại vũ khí bộ binh đáp ứng yêu cầu tác chiến đặt ra. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đặc biệt và giành khoản ngân sách để hiện đại hóa những quân binh chủng kỹ thuật như Hải quân, Phòng không không quân, Thông tin, Tác chiến điện tử đã được đầu tư mua sắm những loại trang bị vũ khí khí tài rất hiện đại, làm nòng cốt để nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước ta còn khó khăn, ngân sách giành cho quốc phòng để hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật còn hạn hẹp; do vậy trước mắt chưa thể hiện đại hóa cho tất cả các lực lượng được.

3. Cử tri kiến nghị:

Thời gian gần đây giá mủ cao su liên tục giảm (6 tháng đầu năm 2014 giảm 35% so với cùng kỳ năm 2013) nên đời sống người dân trồng cao su gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, vì vậy ngoài các chính sách mang tính dài hạn như rà soát điều chỉnh quy hoạch, tăng cường quản lý giống, khuyến nông...để giúp người dân duy trì, phát triển diện tích cao su hiện có và ổn định đời sống, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, doanh nghiệp trồng cao su như mua bảo hiểm vườn cây; chính sách vay vốn lãi suất thấp trong thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây và tổ chức thực hiện liên kết hợp đồng thu mua sản phẩm theo giá bảo hiểm ngay đầu vụ giữa doanh nghiệp và hộ trồng cao su.

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 về triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa, chăn nuôi và thủy sản được thực hiện cho giai đoạn 2011 - 2013. Sau hơn 3 năm triển khai, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp bảo hiểm và 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia bảo hiểm tổ chức thành công Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội vào tháng 6/2014. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất định hướng tiếp tục triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trên phạm vi cả nước.

Đối với các cây trông lâu năm như cây cao su, trong thời gian qua, Chính phủ chưa đưa vào chương trình thí điểm bảo hiểm, nhưng trên thực tế đã và đang có một số doanh nghiệp bảo hiểm như: Tổng công ty Bảo Việt và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh đang triển khai bảo hiểm vườn cây cao su trên địa bàn tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đắc Lắc, Kon Tum,...cho các loại rủi ro như: cháy, bão lốc, lũ lụt. Mức phí đóng bảo hiểm cho các loại rủi ro đã nêu khá cao (khoảng 1% giá trị vườn cây) nên số lượng các hộ dân, các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm vườn cây cao su chưa nhiều. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng thực hiện bảo hiểm với cây cao su nhằm ổn định đời sống, sản xuất của người dân trồng cao su trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng./.

MT (Th)  
Tin liên quan:
Icon Công an tỉnh Kon Tum trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X
Icon Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
Icon Cử tri các huyện, thành phố đề nghị giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị tại đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa X
Icon Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum tại Kỳ họp thứ 8 QH khoá XIII
Icon Bộ Công an và Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội trả lời kiến nghị cử tri Kon Tum trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
Icon Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời ý kiến cử tri tỉnh Kon Tum tại kỳ họp thứ 7
Icon Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông vận tải trả lời ý kiến cử tri Kon Tum gửi đến kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIII
Icon UBND tỉnh Kon Tum trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
Icon UBND tỉnh Kon Tum trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X.
Icon UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII của Đoàn ĐBQH tỉnh
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE