banner
Chủ nhật, ngày 22/12/2024
Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
10-3-2015
Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
Hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh

1. Cử tri kiến nghị:

Công trình thuỷ điện Yaly do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư được đầu tư xây dựng từ năm 1989 đến năm 2002. Để đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn, tỉnh Kon Tum phải di dời 1.510 hộ với 7.805 nhân khẩu thuộc 55 thôn, làng thuộc 10 xã, phường của huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum và phải thu hồi 2.583 ha đất sản xuất nông nghiệp để làm lòng hồ thuỷ điện (trong đó huyện Sa Thầy là 1.137 ha; thành phố Kon Tum là 1.446 ha).

Diện tích thu hồi trên phục vụ cho việc tích nước lòng hồ thủy điện Yaly, hầu hết là đất tốt màu mỡ phù hợp với điều kiện sản xuất truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Để thay thế những diện tích này, Ban quản lý dự án đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi và khai hoang đất sản xuất cho người dân bị thiệt hại. Tổng diện tích khai hoang là 935 ha (lúa nước 259,8ha; đất trồng màu 790,5ha), đầu tư cải tạo xây dựng đồng ruộng vùng bán ngập 109 ha; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi để đảm bảo nước sản xuất cho diện tích đất, bao gồm 1 trạm bơm công suất tưới 80 ha và 5 đập thuỷ lợi công suất tưới 266ha (trong đó có 2 công trình thuỷ lợi Ya Tông và Ya BLo).

Tuy nhiên, nhiều diện tích khai hoang xây dựng đồng ruộng làm lúa nước không thể đưa vào sử dụng được; với lý do vùng đất khai hoang này nằm trên sườn đồi, đất xấu, khi san ủi hết lớp đất màu còn lại sỏi, đá... nếu canh tác được chi phí đầu tư rất lớn. Trong khi công trình thủy lợi không đủ nước tưới vào mùa khô (Công trình thủy lợi Ya Tông xã Ya xiêr, thiết kế và khai hoang 66ha thực tế sản xuất 10ha; Công trình thủy lợi Ya Blo xã Yaly huyện Sa Thầy khai hoang 5ha nhưng sản xuất được 0,5ha). Những diện tích không đưa vào sản xuất người dân đã bỏ hoang gần 20 năm qua. Hiện tại có khoảng 600 hộ dân thuộc các xã Yaly, Ya Xiêr, Ya Tăng huyện Sa Thầy thiếu đất sản xuất và đời sống gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng từ lý do này đã nảy sinh nhiều vấn đề khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp đất sản xuất, tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn và gia tăng tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất.

Từ những lý do trên, năm 2008 theo kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo và giao các ngành nghiên cứu và đề xuất xây dựng công trình khai thác vùng bán ngập trên địa bàn xã Yaly, Ya Xiêr, quy mô công trình tưới khoảng 240 ha, kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.

Xét thấy tồn tại trên do hậu quả của công tác bồi thường, tái định cư công trình thủy điện Yaly để lại; địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác này. Nhưng do điều kiện ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn, ngân sách hàng năm của tỉnh mới đảm bảo khoảng 32%, còn lại phải hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nên hiện nay chưa cân đối được nguồn vốn để xây dựng công trình này. Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ cho tỉnh một phần kinh phí để xây dựng công trình trên để cùng với tỉnh giải quyết những khó khăn, tồn tại của hậu công trình thuỷ điện Yaly.

Bộ Công Thương trả lời:

Năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về vấn đề này. Tuy nhiên, do Dự án thủy điện Yaly đã hoàn thành, phát điện và cơ bản hoàn thành quyết toán công trình, vì vậy, việc bổ sung chi phí từ vốn đầu tư 2 dự án sẽ khó khăn và kéo dài công tác quyết toán.

Việc hỗ trợ giải quyết khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư dự án thủy điện, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Ngày 18 tháng 11 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg về chính sách đặc thù về di dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Theo đó, ngoài các chính sách đặc thù về bồi thường tái định cư, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của người dân sau tái định cư đã được quy định tại Điều 16 của Quyết định này.

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum lập Dự án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, trong đó đề xuất nguồn vốn hỗ trợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nguồn vốn khác. Bộ Công Thương ủng hộ và sẽ có ý kiến khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

2. Cử tri kiến nghị:

Hiện nay, các hộ dân có đất bị thu hồi để xây dựng 2 công trình thủy điện Đăk Đrinh và Thượng Kon Tum đã lên ở tại các khu tái định cư, nhưng một số chính sách hỗ trợ cho người dân khi lên nơi ở mới chưa được thực hiện gồm: chưa được cấp đất sản xuất, chưa giải quyết xong công tác bồi thường về đất, tài sản, cây trồng; chưa hoàn thành công tác hỗ trợ về y tế, giáo dục, trồng trọt; chăn nuôi, di chuyển, ổn định đời sống, hỗ trợ khai hoang; chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân tại khu tái định cư. Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong tỉnh giải quyết những tồn tại vướng mắc trên.

Bộ Công Thương trả lời:

1. Thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum:

- Công tác di dân và xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân phải di chuyển đã hoàn thành từ tháng 8 năm 2013. Đến nay 100% các hộ dân tái định cư đã nhận nhà ở, đang dần đi vào ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất, về chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ: Chủ đầu tư đã tuân thủ thực hiện theo các quy định hiện hành.

- Về công tác tái định canh trên địa bàn huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum), hiện tại Chủ đầu tư đang tích cực khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, công tác này đang bị chậm trễ:

+ Xây dựng công trình thủy lợi cấp nước tưới cho các khu sản xuất tái định canh, về tổng thể mới thực hiện được trên 50% khối lượng. Bên cạnh đó, công tác khai hoang xây dựng đồng ruộng để giao đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư mới thực hiện được 31 ha (trên tổng diện tích 89,6 ha cần khai hoang xây dựng đồng ruộng - chiếm 34,6%).

+ Công tác giao đất vườn, giao đất nương rẫy cho các hộ dân tái định cư cơ bản đã hoàn thành; công tác giao đất ruộng lúa nước cũng mới chỉ thực hiện được 15,2ha (trên tổng diện tích 34,2 ha phải thực hiện - chiếm 45%).

Chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp tại địa phương khẩn trương triển khai thực hiện để có thể sớm cấp đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có nhiều nội dung công việc, khối lượng phát sinh lớn, kể cả việc thay đổi chính sách đền bù, hỗ trợ dẫn đến giá trị công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư của Dự án tăng cao (gấp hơn 2 lần so với giá trị được duyệt ban đầu). Hiện tại, Chủ đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở tiếp tục bố trí vốn cho các công tác còn lại đang thực hiện, trong đó có công tác tái định canh.

Chính phủ, Bộ Công Thương đang chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với địa phương để thực hiện công tác tái định canh để sớm ổn định đời sống cho nhân dân vùng tái định cư.

2. Thủy điện Thượng Kon Tum trên địa bàn tỉnh Kon Tum:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum (Chủ đầu tư dự án thành phần bồi thường di dân tái định cư) đã phê duyệt Phương án chi tiết bồi thường di dân và tái định cư của Dự án. Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã phối hợp cùng Hội đồng bồi thường và giải phóng mặt bằng của tỉnh Kon Tum, chi trả tiền bồi thường cho ngưòi dân bị thiệt hại với tổng số tiền là 95,9 tỷ đồng (trong tổng số 118,343 tỷ đồng theo Quyết định phê duyệt), số tiền còn lại là các chi phí hỗ trợ, sẽ được giải ngân theo tiến độ di dân.

Công tác di dân, tái định cư được Thủ tướng Chính phủ cho phép tách thành Dự án thành phần di dân, tái định cư của Dự án thủy điện Thượng Kon Tum và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum làm Chủ đầu tư. Dự án thành phần đã được triển khai thực hiện từ đầu năm 2010; tính đến cuối năm 2014 đã chuyển được 40hộ/106 hộ, còn lại sẽ chuyển trong quý I năm 2015; các công tác xây dựng tái định canh định cư (2 khu) đáp ứng được tiến độ chung của Dự án.

- Đã hoàn thành xây dựng: 106/106 nhà cho ngưòi dân, nhà rông, nhà trẻ, trường học, nhà mẫu giáo cho 2 khu tái định cư; hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước sinh hoạt) tại 2 khu tái định cư (thôn Đăk Tăng và thôn Vi Rin).

- Đang triển khai xây đựng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương và khai hoang ruộng lúa nước; đang đo địa chính để chia đất nương rẫy cho các hộ dân.

Dự kiến công tác tái định canh sẽ hoàn thành trước tháng 6 năm 2015.

Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Chủ đầu tư chi trả kinh phí hỗ trợ cho người dân theo tiến độ dự án./.

MT (Th)  
Tin liên quan:
Icon Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nhiệp và phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Kon Tum
Icon Công an tỉnh Kon Tum trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X
Icon Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
Icon Cử tri các huyện, thành phố đề nghị giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị tại đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa X
Icon Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum tại Kỳ họp thứ 8 QH khoá XIII
Icon Bộ Công an và Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội trả lời kiến nghị cử tri Kon Tum trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
Icon Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời ý kiến cử tri tỉnh Kon Tum tại kỳ họp thứ 7
Icon Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông vận tải trả lời ý kiến cử tri Kon Tum gửi đến kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIII
Icon UBND tỉnh Kon Tum trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
Icon UBND tỉnh Kon Tum trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X.
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE