Về công tác xây dựng pháp luật và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng: Trước kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XIV, các đại biểu trong Đoàn là thành viên của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến, thẩm tra 6 dự án luật: Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Công an xã và Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc và Uỷ ban.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tỉnh tổ chức cho các đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, nhân dân trong tỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào 3 dự án luật: Luật đấu giá tài sản; Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về hội. Những ý kiến tham gia góp ý vào các dự án luật đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tập hợp báo cáo lên Ủy ban thường vụ Quốc hội và gửi tới cơ quan soạn thảo đúng thời gian quy định.
Tại kỳ họp thứ nhất và thứ 2, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tham gia 26 lượt phát biểu với 85 ý kiến (18 lượt phát biểu tại Tổ, 8 lượt phát biểu tại Hội trường) về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật về Hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với công tác giám sát: Đoàn đã xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Phối hợp, tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát kết quả 2 năm (2015-2016) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2012-2015 tại tỉnh Kon Tum.
Tại kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã chất vấn trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những biện pháp nào để tiếp tục nâng cao thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống hiệu quả hơn; những giải pháp tổng quát nhất để phát triển bền vững vùng đất Tây nguyên có nhiều tiềm năng nhưng cũng rất nhiều thử thách. Chất vấn bằng văn bản và đồng thời kiến nghị đối với Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt nam, Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh phối hợp với các cơ quan liên quan trong tỉnh giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của công tác bồi thường, hỗ trợ tái định canh - định cư công trình thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn huyện Kon Plông nói chung và trọng tâm trước mắt là thanh toán kinh phí bồi thường thu hồi đất sản xuất của thôn Tu Rét và kinh phí khai hoang đồng ruộng để bố trí đất sản xuất cho 02 thôn Vương và thôn Xô Luông huyện Kon Plong.
Về công tác tiếp xúc cử tri: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri định kỳ 3 đợt (sau kỳ họp thứ nhất, trước và sau kỳ họp thứ 2) tại 10 trung tâm huyện, thành phố; 20 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thành phố để báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khoá XIV; Kết quả của kỳ họp thứ nhất và thứ 2 - Quốc hội khoá XIV và hoạt động của Đoàn, đại biểu Quốc hội trong Đoàn tại các kỳ họp này; Nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp và kiến nghị của cử tri với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; với tỉnh.
Tại các buổi tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội thông qua, cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất và thứ 2; động viên cử tri chấp hành luật, Nghị quyết của Quốc hội. Đề nghị Uỷ ban nhân dân các cấp, các sở, ngành liên quan tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; đồng thời thông báo, giải thích cho cử tri biết những nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời. Đối với những vấn đề chưa được trả lời trực tiếp cho cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tập hợp và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Kon Tum xem xét, giải quyết và trả lời theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 5 buổi tiếp công dân định kỳ hàng tháng; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp 1 buổi định kỳ hàng tháng vào ngày 22 tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh, tiếp 08 lượt người đến phản ánh, kiến nghị với chính quyền địa phương.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp nhận 29 đơn, thư các loại của công dân trong và ngoài tỉnh; gồm 9 đơn khiếu nại, 6 đơn tố cáo và 14 đơn kiến nghị, phản ánh. Qua xem xét, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã hướng dẫn, trả lời công dân 01 đơn; chuyển Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nơi công dân cư trú xem xét, xử lý 01 đơn; lưu 27 đơn không đủ điều kiện xử lý.
- Đoàn luôn duy trì, củng cố mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan, ban ngành trong tỉnh theo luật định. Tham gia, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, KT-XH, ANQP, các hoạt động xã hội của tỉnh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật./.