Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cơ bản nhất trí về bố cục và nội dung của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và đã tham gia 11 ý kiến cụ thể vào dự thảo luật.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật các quy định về quản lý, sử dụng đối với pháo hoa. Vì theo Luật Đầu tư năm 2014, việc kinh doanh các loại pháo thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay việc quản lý, sử dụng pháo được quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo; Tuy nhiên, phần giải thích từ ngữ đối với khái niệm “thuốc pháo nổ”, “thuốc pháo hoa”, “pháo nổ”, “pháo hoa” cũng tương tự như khái niệm “vật liệu nổ” quy định tại khoản 7, Điều 3 Dự án Luật này. Bên cạnh đó hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xuất, nhập khẩu đối với pháo hoa và các loại vật tư, nguyên liệu dùng để sản xuất pháo hoa. Mặt khác, xuất phát từ mục đích, phạm vi sử dụng pháo hoa đã trở nên phổ biến, gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của địa phương cũng như của đất nước và đã có xuất khẩu pháo hoa. Từ thực tiễn các sự cố cháy nổ, mất an toàn trong sản xuất, vận chuyển, bắn pháo hoa xảy ra trong nước và quốc tế, cũng như đặc tính nguy hiểm, cháy nổ cao của pháo hoa; vì vậy, việc sản xuất, bảo quản, vận chuyển và bắn pháo hoa cần được Luật hóa và quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước đối với sản phẩm này một cách đồng bộ.
Tại Điều 15 Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, Đoàn đã đề nghị cần kế thừa Điều 12 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và chỉnh lý lại Điều này như sau“1- Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí thực hiện theo quy định của Pháp luật về công nghiệp quốc phòng. 2- Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí tại các cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Tại Điều 17 Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bởi vì, lực lượng này chủ yếu điều tra đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức; tính chất nguy hiểm thấp; lực lượng này được trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 51 dự thảo Luật là phù hợp.
Tại Điều 21, quy định tại khoản 3 và khoản 4 còn chưa rõ về vấn đề “đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ...” và “đe dọa trực tiếp...”, nên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị cần xem xét biên tập, quy định lại cho rõ và cụ thể hơn./.