banner
Thứ 4, ngày 30/10/2024
Bộ Y tế trả lời một số ý kiến cử tri về khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế
6-7-2017
1. Cử tri đề nghị khi người dân đã có thẻ bảo hiểm y tế thì việc khám, chữa bệnh ở đâu là do nhu cầu của người dân, không nên quy định như hiện nay là phải theo tuyến, gây khó khăn cho người dân có nhu cầu muốn tiếp cận với việc khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên.
Bộ Y tế trả lời một số ý kiến cử tri về khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế
Ảnh minh họa

Bộ Y tế trả lời:

Theo quy định hiện hành, khi tham gia BHYT thì người dân phải đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu và khám đúng nơi đã đăng ký, trừ trường hợp cấp cứu hoặc đi công tác. Việc quy định nơi khám chữa bệnh ban đầu đối với người tham gia BHYT là nhằm bảo đảm khả năng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, để người dân được tiếp cận dịch vụ thuận tiện nhất, giảm bớt khó khăn do phải đi lại của người đi khám chữa bệnh mà vẫn đạt hiệu quả chữa bệnh, đồng thời tránh tình trạng có cơ sở y tế có quá đông người bệnh, có cơ sở lại quá ít gây mất cân đối. Việc phân theo tuyến còn để phát huy hiệu quả nguồn lực của tuyến dưới, đồng thời giảm quá tải tuyến trên. Theo số liệu thống kê, nhiều bệnh có thể điều trị hiệu quả ở tuyến dưới, không nhất thiết phải lên tuyến trên khám chữa bệnh.

Mặc dù quy định người có thẻ BHYT phải đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu, nhưng  người tham gia BHYT cũng được quyền khám bệnh, chữa bệnh không phụ thuộc vào tuyến hoặc nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trong một số trường hợp, được quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 Điều 22 Luật BHYT hiện hành, theo lộ trình như sau:

- Từ năm 2015: Người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo phạm vi được hưởng và mức hưởng tùy theo đối tượng tham gia BHYT.

- Từ năm 2021: Người tham gia BHYT khi điều trị nội trú không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo phạm vi được hưởng và mức hưởng tùy theo đối tượng tham gia BHYT.

2. Cử tri cho rằng việc khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là người có thẻ bảo hiểm y tế thường không chu đáo, tận tình; việc chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên khi bị bệnh nặng thường bị bệnh viện tuyến dưới gây khó khăn; việc chuẩn đoán bệnh nhiều khi chưa chính xác, không kịp thời cấp cứu các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí còn tắc trách trong khi phẫu thuật,... Đề nghị ngành y tế rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này.

Bộ Y tế trả lời:

2.1. Về việc khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ bảo hiểm y tế

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người bệnh nói chung, đặc biệt cho người có thẻ bảo hiểm y tế, vừa qua Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu toàn ngành Y tế đổi mới toàn diện hoạt động y tế, đặc biệt là về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Toàn ngành Y tế đã tích cực triển khai Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Theo đó, ở các cơ sở khám chữa bệnh, cán bộ y tế ký cam kết thực hiện tốt Quyết định trên. Kết quả sau gần 2 năm thực hiện, nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế đã có bước thay đổi được người dân và dư luận xã hội ghi nhận đánh giá cao. Các cán bộ y tế đã tích cực rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh; tạo điều kiện tốt, thuận lợi để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BYT ngày 22/11/2013 về việc tăng cường và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng.Trong năm 2016, thông qua ý kiến phản ánh của người dân đến đường dây nóng, Lãnh đạo các bệnh viện đã kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các cán bộ vi phạm trong quá trình phục vụ người bệnh. Cụ thể, khiển trách 213 trường hợp; điều chuyển sang bộ phận khác 08 trường hợp; cho nghỉ việc 13 trường hợp; cắt thi đua 78 trường hợp; cải thiện cơ sở vật chất 196 trường hợp; cải tiến quy trình khám chữa bệnh 573 trường hợp; khen thưởng 63 trường hợp và các hình thức xử lý khác là 4.101 trường hợp. Ngoài ra, qua các hộp thư góp ý, phản ánh trực tiếp của nhân dân, thăm dò ý kiến đánh giá sự hài lòng của người bệnh, hệ thống thông tin đại chúng và các kênh thông tin khác, rất nhiều cơ sở y tế đã xử lý kịp thời các trường hợp có tinh thần thái độ phục vụ thiếu tôn trọng, không tận tình trong KCB để chấn chỉnh, kiên quyết xử lý kỷ luật nếu vi phạm quy định trong quá trình KCB cho người dân.

2.2. Về việc chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên

Theo quy định về chuyển tuyến, các trường hợp bệnh nặng nếu vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB thì cơ sở KCB phải chuyển người bệnh lên cơ sở KCB tuyến trên để kịp thời khám chữa bệnh cho người bệnh.

Trong trường hợp người bệnh đề nghị được chuyển lên tuyến trên, cơ sở KCB thấy việc điều trị bệnh không vượt khả năng chuyên môn của cơ sở, không cần thiết chuyển người bệnh lên tuyến trên thì cán bộ y tế phải giải thích rõ cho người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân hiểu.

Trường hợp người bệnh sau khi đã được nghe giải thích nhưng vẫn có nguyện vọng chuyển lên tuyến trên điều trị thì cơ sở khám chữa bệnh phải cho người bệnh chuyển tuyến, và giải thích thêm cho người bệnh về các thủ tục chuyển tuyến và chính sách BHYT họ được hưởng khi chuyển tuyến, trường hợp này là “khám chữa bệnh trái tuyến”, người bệnh chỉ được BHYT thanh toán một phần chi phí khám chữa bệnh, phần còn lại người bệnh  phải trả do khám chữa bệnh trái tuyến.

2.3. Để nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị ở các cơ sở y tế, giảm tới mức thấp nhất những trường hợp chẩn đoán không chính xác, không kịp thời, gây nguy hiểm cho người bệnh, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp, như cử cán bộ tuyến trên luân phiên về tuyến dưới giúp đỡ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, mở các khóa đào tạo về chuyên môn, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở y tế,…; đồng thời tăng cường các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với công tác khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế để kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm về chuyên môn. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều trường hợp tai biến là bất khả kháng, mặc dù cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cố gắng hết sức. Ngoài ra, do điều kiện về trang thiết bị y tế và nhân lực còn hạn chế nên việc chẩn đoán chưa chính xác là khó tránh khỏi. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế khi gặp phải những trường hợp bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của y bác sỹ thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc tổ chức hội chẩn liên viện.

Hồ Nam VPĐĐBQH tổng hợp  
Tin liên quan:
Icon Bộ lao động, thương binh xã hội trả lời kiến nghị của cử tri
Icon NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHUYÊN MỤC “DIỄN ĐÀN CỬ TRI”
Icon Bộ Quốc phòng trả lời ý kiến cử tri tỉnh Kon Tum đề nghị mở lại Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5
Icon Những vấn đề cử tri quan tâm trước Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Khóa XI
Icon Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến cử tri về tăng mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng là thanh niên xung phong
Icon Bộ Công thương trả lời ý kiến cử tri liên quan đến các dự án thủy điện
Icon Một số vấn đề được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm
Icon Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
Icon Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum
Icon Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nhiệp và phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Kon Tum
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE