banner
Thứ 7, ngày 27/4/2024
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức gặp mặt tọa đàm Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946 - 06/01/2021)
8-1-2021
Buổi chiều ngày 05/01/2021 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Buổi gặp mặt các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum các khóa tọa đàm Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946 - 06/01/2021). Đồng chí A Pớt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi gặp mặt.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức gặp mặt tọa đàm Kỷ niệm 75 năm ngày  Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946 - 06/01/2021)
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Nghe Minh Hồng, Tỉnh ủy viên - Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Đồng chí Bùi Duy Chung, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh;… và 14 vị đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum các khóa.

Cách đây 75 năm, ngày 06/01/1946 với tinh thần yêu nước nồng nàn và hào khí của cách mạng tháng 8, công dân Việt Nam trên mọi miền đất nước không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, nam nữ, chính kiến… từ 18 tuổi trở lên đã nô nức tham gia cuộc bầu cử Quốc hội bất chấp sự chống phá của các thế lực xâm lược và thù địch. Cuộc tổng tuyển cử đã giành thắng lợi trên phạm vi cả nước, đánh dấu bước phát triển mới về thể chế dân chủ ở nước ta; Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số; tỉnh Kon Tum có 03 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội.

Sự ra đời của Quốc hội Việt Nam đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ, người dân Việt Nam từ đây dần trở thành công dân của một nước tự do độc lập, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và quyết định xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa, nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay; Nhà nước của dân, do dân và vì dân; là nơi hội tụ đại biểu tiêu biểu khắp mọi miền đất nước từ những nhà cách mạng trung kiên đến đại diện các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo…

Từ đó đến nay, trải qua 75 năm với 14 khóa, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt nam Dân chủ cộng hoà nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; trong quá trình hình thành, phát triển và hoạt động, Quốc hội đã có những dấu mốc và thành quả chính như sau:

Thời kỳ thứ nhất từ năm 1946 đến năm 1960, là nhiệm kỳ Quốc hội khóa I với 12 kỳ họp; Trong thời kỳ này, Quốc hội đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Quốc hội đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Từ năm 1954 đến năm 1960, Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà theo quy định của Hiệp định Giơnevơ. Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, Quốc hội cũng đã thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến dần từng bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam tiến lên, đánh bại chiến tranh đơn phương của Mỹ và tay sai.

Thời kỳ thứ hai từ năm 1960 đến năm 1980, trong thời kỳ này, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp 1959 với 05 khóa như sau:

 Quốc hội khóa II (1960 - 1964), được bầu ngày 8-5-1960 có 362 đại biểu trúng cử cùng với 91 đại biểu Quốc hội miền Nam được lưu nhiệm theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa II là 4 năm và Quốc hội đã có 8 kỳ họp; Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà;

Quốc hội khóa III (1964-1971) có 455 đại biểu, trong đó có 366 đại biểu được bầu ngày 26-4-1964 và 89 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm. Quốc hội khoá III đã góp phần quan trọng trong việc động viên nhân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, tích cực chi viện cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta nhằm đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ trên chiến trường miền Nam và tích cực làm nghĩa vụ quốc tế đối với cuộc chiến đấu của nhân dân Campuchia và nhân dân Lào anh em.

Quốc hội khóa IV (1971-1975) có 420 đại biểu được bầu ngày 11-4-1971 với nhiệm kỳ bốn năm và đã có 5 kỳ họp. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế; phê chuẩn các dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ, tiêu biểu là trận “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12-1972 buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam. Quốc hội hoan nghênh và thông qua Nghị quyết về việc ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973). Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta nhằm đánh đổ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất Tổ quốc.

Quốc hội khóa V (1975-1976) có 424 đại biểu, được bầu ngày 6-4-1975, hoạt động chưa tới 2 năm (1975-1976) và có 2 kỳ họp diễn ra trong tình hình miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng (30-4-1975). Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã long trọng tuyên bố: “Hơn một trăm năm nay, đây là lần đầu tiên trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta không còn bóng một tên xâm lược, dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây nhân dân ta đời đời sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính thời đại của dân tộc Việt Nam ta”…

Quốc hội khóa VI (1976-1981) được bầu ngày 25-4-1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đã tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu và bầu ra 492 đại biểu của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội; Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và quốc ca là bài Tiến quân ca. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quốc hội đã quy định khóa Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI và chính thức đặt tên cho thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thời kỳ thứ ba từ năm 1980 đến năm 1992, đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp năm 1980, gồm 02 khóa như sau:

  Quốc hội khóa VII (1981-1987) được bầu ngày 26-4-1981, có 496 đại biểu. Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương, thông qua các nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm; quyết định các vấn đề về việc cử và miễn nhiệm một số thành viên Hội đồng Bộ trưởng; Hoạt động giám sát cũng được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước coi trọng, tập trung về các vấn đề quản lý kinh tế - xã hội, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã có bước cải tiến với việc tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn vào việc đánh giá những sai lầm, khuyết điểm về việc thực hiện chính sách giá - lương - tiền; đồng thời đề ra những biện pháp khắc phục.

Quốc hội khóa VIII (1987-1992) được bầu ra ngày 19-4-1987 có 496 đại biểu, là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra; Tại kỳ họp thứ 5, tháng 6-1989, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp do đồng chí Võ Chí Công làm Chủ tịch, gồm 27 thành viên để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa VIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 1992.

Thời kỳ thứ tư từ năm 1992 đến nay, Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 đã trải qua gần 06 nhiệm kỳ hoạt động như sau:

Quốc hội khóa IX (1992-1997) được bầu ngày 19-7-1992, có 395 đại biểu và nhiệm kỳ hoạt động là 5 năm; Quốc hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, đường lối đổi mới của Đảng theo tinh thần của Hiến pháp 1992 và Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VII nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện.

Quốc hội khóa X (1997-2002) được bầu ngày 20-7-1997, gồm 450 đại biểu. Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa X đã tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Điểm nổi bật là tại kỳ họp thứ 10 từ ngày 21-11 đến ngày 25-12-2001, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân; Hoạt động của Quốc hội từng bước được cải tiến để nâng cao chất lượng hiệu quả, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường và được truyền hình trực tiếp đến cử tri cả nước được cử tri hết sức quan tâm.

 Quốc hội khóa XI (2002-2007) được bầu ngày 19-5-2002 là khóa Quốc hội đầu tiên trong thiên niên kỷ mới; có 498 đại biểu; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước được triển khai một cách toàn diện, mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Quốc hội khóa XII (2007-2011): được bầu ngày ngày 20/5/ 2007, có 493 đại biểu; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, là thời điểm nước ta đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX và Đại hội X của Đảng; Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn. Cùng với đó, để phù hợp với thời điểm tiến hành đại hội Đảng, ngay kỳ họp thứ nhất, Quốc hội cũng đã quyết định rút ngắn 01 năm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII còn 04 năm và kéo dài nhiệm kỳ của HĐND các cấp; Quốc hội khóa XII đã tiếp tục đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh lực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại, đóng góp vào những thành tựu mà đất nước đã đạt được, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.

Đồng chí Sô Lây Tăng, Bác sỹ, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa IX và khóa X phát biểu tại buổi tọa đàm

Quốc hội khóa XIII (2011-2016): Quốc hội khóa XIII được cử tri cả nước bầu ra ngày 22/5/2011, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, chúng ta tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày. Hơn 62 triệu cử tri trên khắp mọi miền Tổ quốc đã đi bầu cử, và đã bầu được 500 đại biểu Quốc hội, 302.648 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Trong nhiệm kỳ này, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nền kinh tế vượt qua giai đoạn suy giảm; kinh tế vĩ mô dần ổn định, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, lạm phát được kiểm soát. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung triển khai và đạt kết quả tích cực bước đầu. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm. Chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường và giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và có hiệu quả.  

Quốc hội khóa XIV (2016-2021): Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra ngày 22/5/2016, có 494 đại biểu; Quốc hội khóa XIV bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Bước vào giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản do thành tựu của công cuộc đổi mới mang lại, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; Tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phát triển không ổn định, thị trường tài chính, tiền tệ biến động khó lường; tình hình Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid 19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái … đã đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề bảo vệ và phát triển của đất nước ta trong tình hình mới; Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ những chuyển biến tích cực của kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, an toàn xã hội, thì diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân…; Trong điều kiện đó, trong gần 05 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, từng vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các ngành, các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai khối lượng lớn công việc về lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; Hoạt động của Quốc hội tiếp tục đổi mới, từng bước chuyển từ thảo luận sang tranh luận và áp dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến trong hoạt động của Quốc hội, bước đầu thực hiện các kỳ họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại hội trường đã đem lại những kết quả ban đầu quan trọng.

Hoạt động của các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum luôn song hành cùng sự phát triển của Quốc Hội Việt Nam. Qua gần 14 nhiệm kỳ của Quốc Hội, cử tri tỉnh Kon Tum đã bầu 41 vị đại biểu Quốc hội của 10 khóa. Các vị ĐBQH tỉnh là những người ưu tú đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc và các tầng lớp nhân dân tỉnh Kon Tum nói riêng và của cả nước nói chung. Có 04 đại biểu tham gia 03 khóa Quốc hội (Ông Sô Lây Tăng, Ông Nguyễn Vinh Hà, Bà Y Xuôi và Bà Y Vêng). Có đại biểu giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan Đảng, Chính quyền của tỉnh (Bà Y Một giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội; Ông Lê Quang Bình và Ông Nguyễn Kim Khoa giữ chức vụ Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ông Hoàng Bình Quân giữ chức vụ Uỷ viên BCHTW Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; ông Sô Lây Tăng và Bà Y Vêng giữ chức vụ Uỷ viên BCHTW Đảng, Bí thư tỉnh uỷ; Ông Nguyễn Thanh Cao giữ chức vụ Bí thư Tỉnh Uỷ; ông Lê Chiêm  giữ chức vụ Uỷ viên BCHTW , Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…). Dù trong hoàn cảnh nào, ở đâu, trên cương vị công tác nào các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh qua các khóa luôn phấn đấu làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội.

Kế thừa và phát huy hoạt động của các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum các khóa trước đây, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐHQH tỉnh đã cố gắng phấn đấu hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc tổ chức các hoạt động của các vị ĐBQH thực hiện nhiệm vụ tại kỳ họp và giữa các kỳ họp. Tiến hành các hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Duy trì thường xuyên các hoạt động tiếp xúc cử tri trên các địa bàn của tỉnh, thường xuyên giữ mối liên hệ khăng khít với cử tri; kịp thời truyền đạt, trao đổi, cung cấp thông tin, xử lý các ý kiến, kiến nghị, các vấn đề bức xúc của cử tri. Định kỳ và thường xuyên tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tổ chức nghiên cứu, tham gia xây dựng pháp luật với nhiều ý kiến chất lượng được cơ quan soạn thảo và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu. Các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được tổng hợp đầy đủ, kịp thời để báo cáo lên Quốc hội… Những kết quả hoạt động đó đã góp phần vào sự thành công của mỗi kỳ họp Quốc hội, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cũng như góp phần vào việc xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng phát triển./.

Hồ Nam VPĐ ĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Một số kết quả hoạt động năm 2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon BẢO HIỂM XÃ HỘI - MỘT TRỤ CỘT TRONG HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI
Icon VẤN ĐỀ LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV
Icon CÔNG TÁC THÔNG TIN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI
Icon Một số kết quả kỳ họp thứ 10 và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần cuối của kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ tư của kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE