banner
Thứ 6, ngày 19/4/2024
Kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
14-4-2022
Thực hiện Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15 ngày 05/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và Nghị quyết số 289/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 06/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”; Kế hoạch chi tiết số 76/KH-ĐGS ngày 24/10/2021 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát này, từ ngày 21/01/2022 đến ngày 23/3/2022 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát qua báo cáo, giám sát trực tiếp tại 7 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kon Tum (UBND tỉnh, TAND tỉnh, Cục THADS tỉnh, UBND các huyện Đăk Glei và Đăk Hà, UBND các thị trấn Đăk Glei và Đăk Hà) về việc thực hiện thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 trên địa bàn.
Kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đoàn giám sát làm việc tại Cục thi hành án Dân sự tỉnh

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 15/4/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã ban hành 03 văn bản quy pháp luật và 307 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc xây dựng, ban hành văn bản đã bám sát các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; quá trình soạn thảo đã tuân thủ đầy đủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành. Nội dung văn bản phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản.

Công tác tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời thông qua hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo,... đã giải thích, tuyên truyền cho công dân hiểu thêm về các quy định của Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các quy định pháp luật có liên quan. Góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, hạn chế tình trạng gửi đơn kéo dài, vượt cấp trên địa bàn tỉnh.

Về công tác tiếp công dân, từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tiếp 5.388 lượt công dân/3.531 vụ việc, trong đó: tiếp thường xuyên: 3.764 lượt (69,86%), tiếp định kỳ của lãnh đạo: 1.615 lượt (29,97%), tiếp đột xuất của lãnh đạo: 09 lượt (0,17%). Nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về lĩnh vực: hành chính: 3.028 vụ việc (85,75%, tập trung chủ yếu về lĩnh vực đất đai, bồi thường, chế độ chính sách); tư pháp: 448 vụ việc (12,69%) và thi hành án 55 vụ việc (1,56%). Tại các buổi tiếp công dân, các cơ quan, đơn vị đã giải thích trực tiếp những vấn đề công dân thắc mắc, hướng dẫn công dân làm đơn gửi đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết 2.320 vụ việc; ban hành văn bản xử lý nội dung công dân trình bày 618 vụ việc. Qua tiếp công dân, các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận 1.148 vụ việc, trong đó có 838 vụ việc thụ lý theo thẩm quyền, 310 vụ việc chuyển/chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các vụ việc tiếp nhận đã được xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo quy định pháp luật.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận 2.062 đơn khiếu nại, tố cáo (trong đó có 1.252 đơn khiếu nại, 810 đơn tố cáo); giảm 1.361 đơn (39,76%) so với cùng kỳ 2010-2015 (2.062/3.423 đơn). Hầu hết cơ quan, đơn vị đã phân loại chính xác các đơn, thư tiếp nhận theo nội dung đơn, theo lĩnh vực, điều kiện xử lý, thẩm quyền giải quyết... Số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị 702 vụ việc (34,04% - trong đó có 487 vụ việc khiếu nại, 215 vụ việc tố cáo). Kết quả giải quyết: 696 vụ việc giải quyết xong (99,15% - trong đó có 483 vụ việc khiếu nại, 213 vụ việc tố cáo); 06 vụ việc đang trong thời hạn giải quyết (0,85%);... Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành theo quy định; Người khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với các vụ việc khiếu nại đúng, đúng một phần; Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có sai phạm đã nghiêm túc rút kinh nghiệm; khắc phục những sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn.

Đối với các vụ việc tố cáo đúng, đúng một phần, người có thẩm quyền giải quyết đã căn cứ nội dung tố cáo để áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật. Cơ quan, đơn vị đã kiểm điểm rút kinh nghiệm, xử lý kỷ luật đối với người bị tố cáo có vi phạm; Đối với các vụ việc tố cáo sai, các cơ quan, đơn vị thực hiện việc khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo, chưa thực hiện xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có lúc có nơi vẫn chưa đi vào chiều sâu, nhất là ở cơ sở. Vẫn còn tình trạng công dân do thiếu hiểu biết, bị lôi kéo, dụ dỗ hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gửi đơn kéo dài, vượt cấp, không đúng thẩm quyền; Việc triển khai sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra;...

Trên cơ sở kết quả giám sát và nội dung kiến nghị của UBND tỉnh, các ngành, địa phương của tỉnh Kon Tum, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành tiến hành rà soát, đề xuất bổ sung một số quy định mới đối với một số vụ việc tố cáo hành vi vi phạm của Thẩm phán phát sinh từ việc đương sự không đồng ý với nội dung bản án, quyết định của Tòa án, khi tiếp nhận đơn đã hướng dẫn, giải thích về thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm nhưng người dân vẫn tiếp tục tố cáo; Việc quy định hình thức khiếu nại trong lĩnh vực tố tụng dân sự phải được thực hiện bằng “đơn” đã gây khó khăn đối với công dân không biết chữ, khuyết tật; Việc giải quyết khiếu nại đối với các khiếu nại về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự… Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, góp phần hạn chế được tình trạng đơn khiếu nại, tố cáo sai sự thật, kéo dài, vượt cấp, phức tạp, đảm bảo giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục luật định; Ban hành quy trình xử lý đơn, thư kiến nghị, phản ánh của công dân để giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, tránh tình trạng đơn gửi nhiều nơi, nhiều cấp, kéo dài, không có điểm dừng;... Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, biểu mẫu áp dụng trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng; Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;... Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua công tác giám sát; Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành ..., UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng và các quy định pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo phát sinh; Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài; Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng ngân sách, thực hiện chế độ chính sách người có công và chế độ bảo trợ xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; kịp thời công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, văn bản pháp luật... nhất là trong lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; Rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở;… Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Cục Thi hành án dân sự tỉnh quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào những nội dung: Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước và văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đến cán bộ, công chức và nhân dân; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan và cán bộ, công chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo các quy định pháp luật về tố tụng, thi hành án, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đầy đủ, đúng quy định; Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm sát trong hoạt động tư pháp, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm;.../.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch
Icon Kết quả kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp
Icon Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật
Icon Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp bất thường lần thứ nhất
Icon Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Icon Chương trình công tác năm 2022 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon Một số hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum khóa XV trong năm 2021
Icon Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ
Icon Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật
Icon Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE