Trong quá trình thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đã cùng 29 vị đại biểu Quốc hội khác phát biểu thảo luận, Ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào những nội dung:
* Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật: Đánh giá tình hình và nguyên nhân của tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017; công tác đấu tranh phòng, chống và điều tra, xử lý của ngành công an; làm rõ hơn tình hình, nguyên nhân gia tăng một số loại tội phạm về ma túy, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; tình trạng phá rừng, an ninh trật tự tại bệnh viện, tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp, cho vay nặng lãi, tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em; tội phạm giết người, buôn lậu, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, vi phạm về an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên khoáng sản…; Về chất lượng hoạt động điều tra; làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; Chủ trương và giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018.
* Về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân: Kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự; Việc chấp hành pháp luật trong áp dụng biện pháp bắt tạm giữ, tạm giam và các biện pháp khác; nguy cơ bỏ lọt tội phạm trong đình chỉ, tạm đình chỉ chưa phục hồi điều tra các vụ án; Tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; công tác điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
* Về công tác của ngành Tòa án nhân dân: Kết quả đạt được trong công tác xét xử của ngành tòa án; công tác giải quyết đơn kiến nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; Việc thực hiện chủ trương giảm hình phạt tù, tăng cường áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, làm rõ một số thông tin, số liệu thiếu thống nhất giữa báo cáo của ngành tư pháp với ngành kiểm sát; tình trạng án tuyên không rõ ràng; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật của cán bộ tòa án; Về nâng cao chất lượng xét xử, tránh gây oan sai trong một số vụ án cụ thể; nâng cao chất lượng thẩm phán; bảo đảm nguyên tắc thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử, tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
* Về công tác thi hành án: Đề nghị tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo giữa các cơ quan trong thi hành án dân sự, trả lời kịp thời kiến nghị của địa phương về giải quyết các vướng mắc trong thi hành án dân sự; Việc quản lý, giáo dục, cảm hóa tại cộng đồng, tạo việc làm cho người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo.
* Các nội dung khác về công tác tư pháp: Tình hình chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; vấn đề bảo đảm an ninh nông thôn; chấn chỉnh việc đưa tin của các phương tiện truyền thông, quản lý mạng xã hội, thông tin về các vấn đề bức xúc, tránh kích động dư luận; Chính sách đặc thù đối với lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm; công tác đào tạo, bổ nhiệm thẩm phán; tăng cường đầu tư xây dựng trụ sở tòa án cấp huyện, bảo đảm trang thiết bị, điều kiện làm việc cho các tòa án; chính sách đối với hội thẩm nhân dân; Tình hình oan sai trong hoạt động của các cơ quan tư pháp và công tác bồi thường nhà nước cho người bị oan sai; Bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
* Về công tác phòng, chống tham nhũng: Đánh giá tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi và nguyên nhân; về phòng, chống tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ; việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng (về cải cách hành chính; công khai minh bạch hoạt động và trách nhiệm giải trình; kê khai tài sản, thu nhập; tặng quà và nộp lại quà; chuyển đổi vị trí công tác; thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu…); kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Kiến nghị một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2018 (hoàn thiện pháp luật; tăng cường năng lực các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đào tạo kiến thức về đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng cho cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường hiệu quả thanh tra, công khai minh bạch kết quả thanh tra, kiểm tra để Nhân dân giám sát; chế độ lương, chính sách đãi ngộ, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức…); Đề nghị Chính phủ làm rõ, đánh giá đúng mức vai trò của Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng; tình hình, mức độ tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; lý do chưa báo cáo Quốc hội việc tổng kết thi hành, đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức. Đề nghị Ủy ban Tư pháp báo cáo kết quả giám sát các trường hợp qua thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhưng chậm chuyển sang cơ quan điều tra, những vụ việc dư luận bức xúc, người dân đã kiến nghị trong thời gian dài nhưng vẫn chậm được xử lý
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu 3 ý kiến đối với Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Theo đại biểu Báo cáo công tác này đã thể hiện đầy đủ và rõ nét tình hình thực hiện và nhiệm vụ của công tác tòa án, thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành Tòa án tổ chức triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Sự lãnh đạo đó ở trên tất cả các mặt, từ ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, công tác xét xử các loại án, công tác giải quyết đơn thư đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn thư khiếu nại, tố cáo đến công tác xây dựng ngành, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao phẩm chất trình độ của đội ngũ cán bộ thẩm phán, người lao động của ngành Tòa án đều đạt những kết quả tốt.
Điểm sáng của việc thực hiện các nhiệm vụ công tác là công tác xét xử, giải quyết các loại án đạt tỷ lệ cao. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy thấp. Số liệu của báo cáo phản ánh đối với án hình sự Tòa án đã thụ lý 74.505 vụ, với 123.679 bị cáo; đã giải quyết được 72.854 vụ, với 119.207 bị cáo, đạt tỷ lệ 98% về số vụ và 96,4% về bị cáo, tỷ lệ bản án, quyết định bị Tòa phúc thẩm hủy là 0,8%. Đối với vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại Tòa án các cấp đã thụ lý 395.317 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 356.586 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,2%, tỷ lệ hủy án chỉ là 0,7%. Đáng lưu ý là trong giải quyết, xét xử các vụ án dân sự Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để vượt quá thời hạn giải quyết, tỷ lệ này chỉ là 0,03%. Thực trạng đó thể hiện sự nỗ lực cao của ngành Tòa án, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, cử tri và dư luận đánh giá cao sự nỗ lực đó.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã đề nghị cần làm rõ hơn một số vấn đề như: Đội ngũ cán bộ, công chức, thẩm phán của ngành Tòa án đã và đang được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng ngày càng được nâng lên, tận tâm với công việc, đang thực hiện như lời Bác dạy đó là "Phục công thủ pháp, chí công vô tư", hoàn thành vị trí nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu đương sự, bị cáo mà như dư luận và các phương tiện truyền thông đã phản ánh trong thời gian qua. Mặc dù đây chỉ là hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh, đã và đang được xử lý kịp thời, đúng mức, nhưng bởi độ nhạy cảm của nghề thẩm phán nên hiệu ứng của dư luận là đáng kể. Bởi vậy, ngoài các giải pháp đã nêu như trong báo cáo thì việc tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa không để hiện tượng đó xảy ra là giải pháp cần tập trung trong thời gian tới của ngành tòa án... /.