Bộ tài chính trả lời như sau: Ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên với mục tiêu là hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường. Theo đó các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc các hộ gia đình tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định bổ sung đối tượng vay vốn của Chương trình (bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn có nhu cầu vay vốn để học nghề; người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định 63/2015/QĐ-TTg có nhu cầu vay vốn để học nghề; người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Miền trung và học sinh, sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp trong thời gian thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh để cấp chứng chỉ hành nghề) và 6 Quyết định nâng mức cho vay học sinh, sinh viên từ 800.000/tháng ban đầu lên mức 1.500.000 triệu đồng/tháng hiện nay.
Qua hơn 10 năm triển khai Chương trình, Nhà nước đã cố gắng bố trí nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn cho Chương trình. Tính đến 31/12/2017, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho vay Chương trình gần 60.000 tỷ đồng (bình quân 6.000 tỷ đồng/năm), dư nợ đến nay là gần 16.000 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi học.
Việc triển khai các Chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội thời gian qua (trong đó có Chương trình cho vay học sinh, sinh viên) được thực hiện trên cơ sở định hướng, chủ trương về hỗ trợ an sinh, xã hội của Đảng và Nhà nước, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và bố trí vốn của ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội phê duyệt để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngoài Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội hiện đang triển khai cho vay 19 Chương trình tín dụng chính sách (cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo,…) với tổng dư nợ khoảng 155.000 tỷ đồng và thời gian tới tiếp tục thực hiện một số chương trình được Nhà nước giao như: Cho vay nhà ở xã hội, hỗ trợ cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long,… Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp khó khăn, việc huy động các nguồn lực tài chính để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các Chương trình nêu trên là thách thức tương đối lớn cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Từ tình hình trên, Bộ Tài chính xin ghi nhận ý kiến của cử tri, thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Chương trình tín dụng chính sách nói chung và tín dụng đối với học sinh, sinh viên nói riêng để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp với tình hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và khả năng hỗ trợ của Nhà nước cho các Chương trình tín dụng chính sách đã được Quốc hội bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020./.