banner
Thứ 3, ngày 26/11/2024
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
12-6-2018
Chiều ngày 11/6/2018, Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi,  bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Y Nhàn và 19 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu ý kiến tham gia, 9 đại biểu tham gia tranh luận về các nội dung Tên gọi của Luật; Về giáo dục mầm non; Về hệ thống giáo dục quốc dân; Về học phí; Chính sách đối với giáo dục và nhà giáo; Chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm; Về quản lý nhà nước đối với Giáo dục... Đại biểu Quốc hội Y Nhàn  đã phát biểu tham gia 3 ý kiến vào dự án luật này về mục tiêu giáo dục; về nhà giáo; Về học phí.

Về mục tiêu giáo dục, theo đại biểu Y Nhàn dự thảo đã xác định mục tiêu của giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, có sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Giáo dục con người Việt Nam trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là rất cần thiết, bởi đó là mục tiêu cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng thời, con người Việt Nam có Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trung thành với Tổ quốc là một yêu cầu thiêng liêng đã được Hiến định. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy thế hệ trẻ Việt Nam là "yêu Tổ quốc, yêu đồng bào". Bởi vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào mục tiêu giáo dục con người Việt Nam yêu Tổ quốc. Như vậy, yêu Tổ quốc và trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội hợp thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu của giáo dục.

Hệ thống giáo dục của chúng ta là một hệ thống mở và thống nhất từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, từ xưa đến nay việc giáo dục đều mở mang nâng cao dân trí, chất lượng đất nước. Do vậy, mục tiêu giáo dục hiện nay cũng cần xác định nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khả năng nghiên cứu, phát minh, bồi dưỡng nhân tài, bởi vậy nên bổ sung vào mục tiêu giáo dục thêm một ý nữa là nâng cao dân trí. Từ đó Mục tiêu giáo dục tại Điều 2 nên sửa đổi, bổ sung như sau “Nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, yêu Tổ quốc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao dân trí, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Về nhà giáo, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung theo hướng chuẩn hóa trình độ bằng cấp của các bậc giáo dục theo yêu cầu ngày càng cao đó là cần thiết. Tại điểm a khoản 1 Điều 77 được sửa đổi, theo đó quy định giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm, quy định như vậy là cao. Tôi cho rằng nên yêu cầu có trình độ trung cấp là đạt chuẩn, việc khuyến khích họ học tập để đạt chuẩn trình độ đào tạo như thế sẽ phù hợp hơn. Đồng thời, điều luật này không có quy định bậc cao đẳng thuộc tiêu chuẩn dạy học ở bậc học nào, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này, yêu cầu quy định và trình độ bằng cấp của giáo viên ở từng cấp học là cần thiết. Đối với nghề giáo viên có bằng cấp, tri thức là quan trọng nhưng để chuyển tải tri thức cho người học tiếp nhận được cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng, điều đó phụ thuộc vào nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp của mỗi nhà giáo.

Thực tế cho thấy có những nhà giáo trình độ, tri thức cao và sâu nhưng khi giảng dạy thì người học khó hiểu và khó tiếp thu. Bởi vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật những quy định cụ thể cũng như nội dung của việc bồi dưỡng rèn luyện nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Các quy định ở Điều 80 mới chỉ là chính sách của Nhà nước và quyền của giáo viên, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chứ chưa phải là nội dung, yêu cầu của nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp.

Về học phí quy định tại Điều 105, Dự thảo quy định học sinh tiểu học trường công lập không phải nộp học phí, các cấp học khác mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo. Chúng ta biết rằng trong thực tế nước ta còn có đối tượng thuộc diện chính sách theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, các đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo, người tàn tật yếu thế, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các đối tượng này trên thực tế cũng đã và đang được miễn giảm theo các quy định ở các chính sách và văn bản pháp luật khác. Với tính chất là một đạo luật chuyên ngành về giáo dục, đào tạo, tôi thấy rằng nên bổ sung vào Điều 105 quy định về miễn, giảm học phí để làm cơ sở cho các chính sách và văn bản pháp luật khác trong việc miễn, giảm học phí./.

 

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV
Icon Quốc hội thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV
Icon Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV
Icon Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước
Icon Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp 5 - Quốc hội khóa XIV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE