Về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân (Điều 27), Đoàn đã thống nhất với quy định của dự thảo Luật. Phạm nhân không thể được hưởng tất cả các quyền con người, quyền công dân (quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng…) như những công dân khác đang ở ngoài xã hội. Vì họ là người bị kết án phạt tù, bị cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định theo bản án; Họ có nghĩa vụ lao động, học tập, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xác định các quyền cụ thể của phạm nhân của dự thảo Luật đã bảo đảm tính nhân đạo cũng như bảo đảm tính nghiêm khắc của hình phạt tù. Về tổ chức cho phạm nhân lao động (Điều 33), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum thống nhất bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân với các nguyên tắc và điều kiện chặt chẽ như dự thảo Luật quy định. Về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 19, Điều 61, Điều 86 và Điều 98), Đoàn thống nhất dự thảo Luật tiếp tục quy định vai trò chủ trì quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng của Uỷ ban nhân dân cấp xã; đồng thời tăng cường hơn vai trò tham mưu của Công an cấp xã. Không quy định giao cho cá nhân thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng. Về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại (Điều 160), Đoàn cũng thống nhất quy định giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Vì quy định như vậy sẽ bảo đảm sự tập trung, thống nhất về đầu mối quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực hiện trong lĩnh vực này; không làm tăng biên chế, bộ máy, ngân sách nhà nước.
|