banner
Thứ 3, ngày 26/11/2024
MẤY VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC (Sửa đổi)
22-4-2019
Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) đang được lấy ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới đây, dự thảo đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng và đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên còn một số vấn đề cần quan tâm thêm để đảm bảo tính hoàn thiện của dự thảo, như yêu cầu về phương pháp giáo dục dự thảo xác định: Phương pháp giáo dục phải khoa học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học, kỹ năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên.
MẤY VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC (Sửa đổi)
Ảnh minh họa

Chúng ta biết rằng Nghị quyết 29 đã chỉ rõ: Việc giảng dạy và học tập chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng mỗi học sinh.

 Trên thực tế từ trước tới nay phương pháp giảng dạy truyền thống vẫn là thầy, cô giảng, nói, người học nghe, chép, phương pháp này là lấy người dạy làm trung tâm, tuy có mặt tích cực nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập như tạo nên tính một chiều, thụ động trong tiếp thu kiến thức của học sinh, và trong điều kiện bùng nổ thông tin của xã hội hiện đại dễ dẫn đến hiện tượng chán nản trong học tập, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo. Để thực hiện quan điểm của Đảng thể hiện tại Nghị quyết 29 và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, luật nên đặt vấn đề xác định chuyển phương pháp từ lấy người dạy làm trung tâm sang lấy người học làm trung tâm, bởi vậy dự thảo nên xác định thêm: Phương pháp giáo dục phải khoa học, lấy người học làm trung tâm, phát huy tích cực, tự giác …

 Giáo dục chúng ta đang gặp phải những thách thức, những vấn đề đặt ra, trong đó có hiện tượng thái độ lạnh lùng ích kỷ, thậm chí là bạo lực của học sinh, mà chưa có cách khắc phục hiệu quả, nhìn nhận căn nguyên của thái độ và hành vi đó phải chăng là: Thứ nhất, một phần thuộc về thái độ hành xử thực dụng của một bộ phận giáo viên, hiện tượng các dịch vụ ép dạy thêm, học thêm, sàm sỡ lạm dụng học sinh, đối xử không công bằng, thiếu nhân ái, thậm chí bạo lực với học sinh vv.. dẫn đến hệ quả tổn thương cho lòng kính trọng. Thứ hai là trách nhiệm của gia đình và xã hội, những hiện tượng xảy ra hàng ngày trong xã hội có những hành động, lời nói bị chi phối bởi tính ích kỷ, vụ lợi cũng đã tác động tổn thương đến tình cảm suy nghĩ của lớp trẻ. Thứ ba, sự phân hóa giàu nghèo với khoảng cách ngày càng xa thường đẻ ra nhiều tệ nạn khó kiểm soát như bạo lực, sự kỳ thị, thái độ thù hận ..

 Có nhiều phương thức để hạn chế, khắc phục các vấn đề trên, nhưng nền giáo dục sẽ giúp làm dịu đi các mối xung đột, hàn gắn những tổn thương của xã hội bằng việc xác lập sự công bằng, tình yêu thương, không phân biệt đối xử ngay trên mỗi lớp học, ngay trên mỗi giảng đường, và thường thì người thầy, cô có vai trò quan trọng trong quá trình hàn gắn này, học sinh cần phải cảm nhận, phải được hưởng sự bình đẳng về phẩm giá, quyền sống, quyền học tập, quyền được tôn trọng không phân biệt đối xử, và họ cảm nhận được điều đó tốt nhất và trước tiên là ở trường học với môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và ở người thầy, các quy định trong dự thảo đã thể hiện các yêu cầu trên, nhưng để đầy đủ hơn đề nghị cân nhắc bổ sung một số nội dung cụ thể như sau: (1) Xác định trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh trước hết phải là của nhà nước và của ngành giáo dục chứ không chỉ là trách nhiệm của mọi tổ chức, gia đình và công dân như ở khoản 3 Điều 16, bởi vậy cần bổ sung trách nhiệm này của nhà nước vào nội dung của điều luật và như thế nên bổ sung vào khoản 2 Điều 13 trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh để đảm bảo tính đầy đủ và toàn diện của điều luật. (2) Bổ sung vào khoản 3 Điều 70 nhiệm vụ của nhà giáo không chỉ là đối xử công bằng như dự thảo mà còn phải nhân ái đối với người học, như vậy nội dung đầy đủ là giữ gìn phẩm chất danh dự, uy tín nhà giáo, tôn trọng đối xử công bằng, nhân ái với người học. (3) Tại khoản 2 Điều 18 quyền của người học được tôn trọng bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục, quy định này cần nhìn nhận rằng, cơ hội học tập là bình đẳng, nhưng trong quá trình học tập giáo dục có bị phân biệt đối xử hay không cần phải được quy định rõ, về nguyên tắc là không thể bị phân biệt đối xử, bởi vậy cần bổ sung vào điều luật này: Bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục, không bị phân biệt đối xử trong quá trình học tập và giáo dục. Về sách giáo khoa: Việc xác định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa quy định tại khoản 2 Điều 32 cần phải được cân nhắc tính toán kỹ, để đảm bảo tính thống nhất trong giáo dục và đào tạo thiết nghĩ trước mắt nên chỉ quy định một chương trình và một bộ sách giáo khoa./.

 

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Kon Tum
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy tại Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum
Icon Tham gia ý kiến Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Icon Hoạt động trong tháng 4/2019 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIÁM SÁT TẠI UBND TỈNH KON TUM
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018
Icon VẤN ĐỀ SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Icon Hoạt động trong tháng 3/2019 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon ĐƯA LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG VÀO THỰC TIỄN CUỘC SỐNG
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE