Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ xảy ra 109 vụ cháy làm bị thương 1 người, thiệt hại tài sản khoảng hơn 26 tỷ đồng và hơn 153 ha rừng; không xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản (Trong đó thành thị xảy ra 75 vụ (chiếm 68,8%), nông thôn xảy ra 34 vụ (chiếm 31,2%); kinh tế nhà nước 31 vụ (chiếm 28,4%), kinh tế tư nhân 55 vụ (chiếm 50,5%), nhà dân 23 vụ (chiếm 21,1%)). Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống và các thiết bị điện không đảm bảo an toàn, việc trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu chưa được chú trọng;…
Thông qua các hình thức tuyên truyền, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng chữa cháy, tự thoát hiểm của người dân đã được nâng lên. Nhiều cơ sở đã chú trọng trang bị các hệ thống phương tiện phòng cháy chữa cháy; tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên, người lao động tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra và chỉ đạo khắc phục những tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy. Nhiều đội dân phòng, đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành được thành lập mới…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như hình thức tuyên truyền, giáo dục chưa được phong phú, đa dạng; vẫn còn một số người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy; một số người dân, hộ gia đình, hộ kinh doanh còn thờ ơ, không thực hiện đúng các quy định về công tác phòng cháy chữa cháy;…
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Tô Văn Tám đã ghi nhận trong thời gian qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy kịp thời;… Đồng thời đề nghị trong thời gian tới Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo thống nhất nhận thức chức năng quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy chữa cháy của chính quyền các cấp. Tiếp tục quán triệt phương châm “Phòng” là chính, khi xảy ra cháy phải thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”; quan tâm hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy. Nghiên cứu ban hành các quy chuẩn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Chú trọng xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy vững mạnh; thiết bị hiện đại; tăng cường tập huấn kỹ năng chữa cháy. Chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức phòng cháy chữa cháy trong cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân…