Thứ nhất, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, cần thiết phải có khung pháp lý đồng bộ thống nhất, do vậy việc ban hành Luật biên phòng là đáp ứng yêu cầu đó, tuy nhiên vấn đề xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia còn được quy định trong các đạo luật khác như Luật biên giới quốc gia, Luật an ninh quốc gia, Luật cảnh sát biển.. vv Do vậy cần đối chiếu, rà soát các quy định ở các đạo luật này để tránh chồng chéo, trùng lắp hay mâu thuẫn. Ví dụ như Luật an ninh quốc gia quy định, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, Luật biên giới quốc gia quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời quy định bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách. Dự thảo Luật biên phòng quy định, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng, còn lực lượng nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân (lực lượng vũ trang nhân dân thì bao gồm cả công an nhân dân), như vậy có khác nhau hay không và sẽ hiểu theo quy định nào, ở đây nên tiếp cận rằng, với tính cách là một luật chuyên ngành về biên phòng thì nên tích hợp những nội dung về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, những nội dung về bộ đội biên phòng về luật này, đồng thời sử dụng luật này để loại trừ những nội dung trên ở các đạo luật khác, như thế sẽ tránh được sự chồng chéo, trùng lắp hoặc mâu thuẫn.
Thứ hai, trong các nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng tại khoản 2 điều 6 có quy định là: Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ. Vấn đề là lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng quy định tại điều 7 vẫn là lực lượng vũ trang là nòng cốt, các quy định phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng tại khoản 1 điều 9 của dự thảo thì Bộ quốc phòng là cơ quan chủ trì, như vậy bộ đội biên phòng cũng không thể tách rời sự chỉ huy của Bộ quốc phòng, bởi thế cần bổ sung thêm quy định trong nguyên tắc này là dưới sự chỉ huy của Bộ quốc phòng.
Thứ ba, trong các quy định về bộ đội biên phòng, cần nhận thức rằng, bộ đội biên phòng là một bộ phận của quân đội nhân dân Việt Nam, như những binh chủng, quân chủng khác. Do vậy đều chịu sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ quốc phòng và Bộ trưởng Bộ quốc phòng, và trong thực thi nhiệm vụ biên phòng thì bộ đội biên phòng giữ vai trò nòng cốt. Với nhận thức như vậy có hai vấn đề cần làm rõ thêm:
Một là, khi quy định nhiệm vụ của bộ đội biên phòng tại khoản 5 điều 14, có nhiệm vụ hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại quốc phòng, vấn đề đặt ra là, khi thực thi nhiệm vụ này, bộ đội biên phòng có được đứng với vị thế, tư cách là một chủ thể độc lập với Bộ quốc phòng hay không, nếu đối chiếu với các quy định tại điều 28 của dự thảo thì đối ngoại biên phòng thuộc Bộ ngoại giao, và như thế Bộ ngoại giao là chủ thể chính, Bộ quốc phòng và các bộ, cơ quan ngang bộ là các chủ thể phối hợp, và Bộ ngoại giao có trách nhiệm hướng dẫn lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng (tức là bộ đội biên phòng) về nghiệp vụ đối ngoại biên phòng (khoản 2 điều 28), và với nhận thức về bộ đội biên phòng như đã nêu trên thì, bộ đội biên phòng có là chủ thể độc lập trong hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng được hay không?
Hai là, khi xác định chức năng của bộ đội biên phòng như ở khoản 2 điều 13 được hiểu là có 4 chức năng. Thứ nhất: tham mưu cho Bộ trưởng Bộ quốc phòng ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai: Đề xuất với đảng và nhà nước chính sách pháp luật về biên phòng. Thứ ba: Giúp bộ trưởng Bộ quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Thứ tư, duy trì trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu. Vấn đề đặt ra là, khi thực hiện chức năng tham mưu với đảng và nhà nước về chính sách pháp luật về biên phòng, thì bộ đội biên phòng tham mưu trực tiếp hay thông qua Bộ quốc phòng và Quân ủy trung ương. Nếu bộ đội biên phòng đề xuất trực tiếp với Đảng và nhà nước thì vai trò của Bộ quốc phòng như thế nào trong những nội dung đề xuất này.
Những vấn đề trên cần phải được làm rõ trong luật, để khi luật được Quốc hội thông qua và được công bố, sẽ rõ ràng và triển khai thực hiện thuận tiện./.