Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản nhất trí về bố cục và nội dung của dự thảo Luật này; Đồng thời đã tham gia 7 ý kiến cụ thể vào dự án luật. Đối với quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung Đoàn đề nghị Ban soạn thảo thay thế Cụm từ "quản lý rừng, lâm sản" thành cụm từ "Lâm nghiệp" để thống nhất từ ngữ quy định tại Luật Lâm nghiệp; Tại khoản 9, Điều 1 đề nghị thay Cụm từ "Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương" thành cụm từ "Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương". Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị tài sản quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC “thời hạn tạm giữ tối đa không quá 24 giờ kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn nhưng không quá 24 giờ”chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt đối với tang vật, phương tiện vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp được phát hiện tại các lô, khoảnh, tiểu khu, trong rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện giao thông đi lại khó khăn... Vì vậy cần quy định kéo dài thời hạn tạm giữ cho vùng sâu, vùng xa.. hải đảo để đảm bảo đáp ứng các điều kiện.
Đối với khoản 40, Điều 1 dự thảo Luật, Đoàn đã thống nhất với phương án 2 về biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và được áp dụng trong một số lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu lực của việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tại điểm 60, Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 126) tại đoạn 2 quy định “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước” để tránh bị lợi dụng do cá nhân vi phạm không có khả năng (hoặc trốn tránh) chấp hành quyết định xử phạt, nhưng phải trả lại tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Vì vậy Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cần áp dụng tạm giữ phương tiện "Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong".
Tại trang 39 Dự án Luật quy định “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo đầu tiên phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc lần thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”. Thời hạn quy định 01 năm là quá dài trong xử lý vi phạm hành chính không đồng nhất với quy định về thời hạn xử lý vi phạm quy định tại điều 66, điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính; Mặc khác việc kéo dài thời hạn thông báo 01 năm mới ra được quyết định xử lý tịch thu dẫn đến các vụ vi phạm tồn đọng, xử lý vi phạm không kịp thời ảnh hưởng đến công tác bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm làm ảnh hưởng giảm giá trị, phẩm chất gây thất thoát và lãng phí tài nguyên, nhất là đối với tang vật là gỗ và các loại lâm sản khác./.