Các quy định trên cần xem xét thêm các vấn đề sau:
Thứ nhất, Khi quy định người đại diên hợp pháp phải không là người có án tích về một số tội như đã liệt kê, như vậy có vi phạm các quy định của pháp luật về vấn đề tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong án phạt tù, mặc dù đã có án nhưng họ đã chấp hành xong hình phạt và đã được xóa án tích thì họ đã thực sự là người hoàn toàn bình đẳng với mọi công dân khác, do vậy họ được tự do kinh doanh như những công dân khác, nếu quy định như vậy phải chăng là đã phân biệt đối xử với họ. Vấn đề là họ đã được xóa án tích hay chưa, nếu đã được xóa án tích thì được thành lập doanh nghiệp, và khi họ thành lập doanh nghiệp thì phải quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh chứ không phải là phân biệt đối xử với những chủ thế đại diện doanh nghiệp, bởi vậy cần xem lại quy định này.
Thứ hai, Cần quy định mức vốn chủ sở hữu, và mức 5 tỷ đồng như dự thảo hay mức nào là phù hợp, mặc dù Luật doanh nghiệp không quy định vốn chủ sở hữu, tuy nhiên Luật kế toán cũng có quy định vốn chủ sở hữu, mặt khác vốn điều lệ là nguồn vốn được ghi trên giấy phép kinh doanh, là tổng số vốn góp của tất cả các thành viên, còn vốn chủ sở hữu là tổng số tài sản, nguồn vốn thực tế của chủ sở hữu, là toàn bộ số tài sản còn lại của tài sản sau khi đã trừ tổng tài sản cho các khoản nợ phải trả. Với mục tiêu của luật nhằm bảo vệ tốt nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, trong đó có ràng buộc chặt chẽ về vấn đề năng lực tài chính, nguồn lực, các điều kiện đảm bảo và năng lực tài chính của doanh nghiệp, là rất quan trọng để đảm bảo điều kiện tối thiểu về tài chính nhằm dự phòng các tình huống phát sinh, rủi ro trong quá trình hoạt động, nhất là khi liên quan đến người lao động thì việc quy định ràng buộc về vốn chủ sở hữu sẽ chặt chẽ và khả thi hơn vốn điều lệ, do vậy đề nghị quy định mức vốn này là 10 tỷ đồng.
Luật hiện hành quy định người đại diện theo pháp luật từ có kinh nghiệm 3 năm. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc biệt lại có liên quan đến người lao động với đặc điểm làm việc bên ngoài lãnh thổ việt nam, do đó các quy định chặt chẽ, đòi hỏi cao hơn bình thường về điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực này là cần thiết và phù hợp, để không chỉ góp phần tăng cường quản lý đầu vào mà còn phải đảm bảo duy trì các điều kiện hoạt động đối với doanh nghiệp, góp phần đảm bảo các điều kiện để bảo vệ người lao động, bổ sung điều kiện đối với người đứng đầu doanh nghiệp dịch vụ, các trường hợp doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép dịch vụ. Mặt khác để đảm bảo tính chặt chẽ trong điều kiện doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cần chỉnh lý dự thảo theo hướng, nâng thời gian có kinh nghiệm của người đại diện theo pháp luật từ 3 năm lên 5 năm hoặc 7 năm đồng thời bổ sung điều kiện người đại diện theo pháp luật phải có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực và có trách nhiệm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp./.