Phát biểu tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Báo cáo kết quả phòng, chống Covid-19, thống nhất với các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Phạm Đình Thanh đồng tình với mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra, thống nhất với 16 chỉ tiêu chủ yếu và dự kiến 12 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện. Đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đối với một số nội dung:
+ Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo điều hành sâu sát để thực hiện hiệu quả hơn đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn với chiến lược vaccine, trong đó cần ưu tiên cao nhất các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất, sử dụng vaccine trong nước nhằm chủ động và sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong đầu năm 2022. Bênh cạnh đó cần quan tâm hơn đối với những địa phương đang có tỷ lệ tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 đạt thấp và chú ý đến vùng nông thôn miền núi. Đại biểu cũng đồng quan điểm với một số đại biểu Quốc hội phát biểu trước về việc cần quan tâm thực hiện ngay việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực cho y tế cơ sở và sớm có cơ chế để huy động y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo thực hiện tốt nhất chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
+ Về phát triển kinh tế - xã hội, theo đại biểu Phạm Đình Thanh trong giai đoạn này cần phải hết sức tận dụng các lợi thế hiện có, phát huy cao nhất mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế, tiếp tục đảm bảo ổn định và ngày càng nâng cao đời sống của người dân. Từ đó, đối với địa bàn Tây Nguyên và Kon Tum đại biểu đề nghị hai vấn đề:
Thứ nhất, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong xử lý việc sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp đã tồn tại nhiều năm qua ở các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên, tình trạng tổ chức và cá nhân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp với diện tích tương đối lớn, trong đó có diện tích sản xuất nương rẫy trên đất lâm nghiệp theo Chỉ thị số 36, ngày 6/4/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ chế, chính sách, quy định nào cụ thể để điều chỉnh đối với thực trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp nêu trên. Vấn đề này, thời gian qua, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thấy, qua đó đã tổ chức một số hội nghị để tham vấn ý kiến của các cơ quan địa phương có liên quan nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách, quy định nào cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện. Vì vậy đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm đánh giá đúng thực trạng trên cơ sở đó nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách và các quy định cụ thể để quản lý tốt việc sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp đã tồn tại nhiều năm qua ở các tỉnh Tây Nguyên và trong cả nước và nếu được thì có thể đưa ra chính sách quy định cụ thể trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý, đầu tư, khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có.
Thứ hai, về đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh, hiện nay Sâm Ngọc Linh được cho là "quốc bảo", được trồng ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Để phát huy tiềm năng to lớn về phát triển ngành công nghiệp trồng và chế biến Sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tại Thông báo số 369 ngày 24/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao lãnh đạo tỉnh Kon Tum tập trung chỉ đạo Kon Tum nhanh chóng trở thành vùng trồng và chế biến dược liệu tập trung của quốc gia. Tuy nhiên, do Sâm Ngọc Linh thuộc nhóm 1a, được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 160 ngày 12/11/2013 của Chính phủ, nên việc ươm trồng còn gặp những khó khăn, vướng mắc, về chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định này. Do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xem xét công nhận Sâm Ngọc Linh là loại cây trồng chính để quản lý theo Luật Trồng trọt được cấp phép nuôi trồng để địa phương thực hiện trồng và phát triển Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác theo đúng nội dung kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.