banner
Thứ 6, ngày 27/12/2024
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
13-6-2022
Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, buổi sáng ngày 13/06/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh và 26 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu tham gia ý kiến, 02 đại biểu Quốc hội tranh luận; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện cơ quan trình dự án luật giải trình và báo cáo thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận sáng ngày 13-6-2022

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, việc Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật để xem xét cho ý kiến, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ở thời điểm hiện nay là rất phù hợp và cần thiết, với mục tiêu bổ sung đầy đủ cơ chế pháp lý nhằm giải quyết tốt những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 nhằm tăng cường trật tự, kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Để đạt được mục tiêu trên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ về thực trạng phát sinh nổi lên có liên quan đến vấn đề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian qua để bổ sung, xây dựng dự án luật đầy đủ, toàn diện nhất. Theo đó, cần đặc biệt chú ý các vấn nạn nổi lên như tình trạng người nhà, người đi cùng bệnh nhân, cá biệt có cả bệnh nhân có hành vi bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện. Theo nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội thì mỗi năm có hàng trăm vụ bạo hành xảy ra tại các bệnh viện. Hậu quả là đã có không ít y, bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng. Việc các y, bác sĩ bị bạo hành khi đang làm những công việc cao quý đó là chữa bệnh cứu người đã gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận thời gian qua. Bên cạnh đó, việc nhiều đối tượng có hành vi lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để phát ngôn, tuyên truyền, quảng cáo gian dối về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, dụ dỗ, lôi kéo người bệnh sử dụng các phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh chưa được công nhận, không đạt tiêu chuẩn. Hậu quả là đã có nhiều người bệnh lâm vào cảnh tiền mất tật mang, gia đình khánh kiệt. Để giải quyết căn cơ đối với những vấn nạn trên cần phải bổ sung các biện pháp phù hợp, quyết liệt hơn để bảo vệ cơ sở y tế, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, quyền lợi của người dân. Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị ngoài biện pháp dự kiến quy định tại Điều 36 và Điều 94 của dự thảo luật, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm các biện pháp như quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn của đội ngũ nhân viên y tế. Có cơ chế hỗ trợ tài chính để thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Và cũng có thể có quy định riêng về xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xảy ra trong khuôn viên cơ sở y tế, trong khuôn viên của bệnh viện. Cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là của các đối tượng có hành vi bạo hành nhân viên y tế, gian dối trong quảng cáo và bán thuốc chữa bệnh, vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây thiệt hại cho người dân. Đối với những đối tượng này cần phải được xử lý rất kiên quyết và kịp thời để đảm bảo phát huy cao nhất yêu cầu về răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Về mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đối với hai vấn đề: Thứ nhất, cần có chính sách phù hợp để tăng cường và phát triển mạnh nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là trong bối cảnh ngành y tế đang gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay. Có chính sách ưu đãi thỏa đáng đối với những người làm nghề y tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó có y tế cơ sở. Đây cũng là việc cụ thể hóa quan điểm của Đảng về nghề y. Tại Nghị quyết 20 ngày 25/10/2017 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định "Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt". Việc Nhà nước ban hành các chính sách nay sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém, khó khăn, bất cập trong công tác phòng ngừa bệnh tật và khám bệnh, chữa bệnh thời gian qua, nhất là những yếu kém, khó khăn, bất cập đã bộc lộ rõ nét qua công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thứ hai, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung Điều 55 dự thảo luật theo hướng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và có lộ trình cụ thể để phát triển phù hợp loại hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa, nhằm phát huy những mặt ưu điểm như giảm thời gian, chi phí di chuyển của bệnh nhân, giảm nguy cơ lây lan bệnh tật. Thực hiện nhanh hơn, kịp thời hơn đối với việc khám bệnh, chữa bệnh. Tạo điều kiện để nhiều người bệnh ở xa, ở vùng nông thôn, miền núi được bác sĩ giỏi ở trung tâm các thành phố lớn trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc khám, chữa bệnh từ xa, đảm bảo phù hợp với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm.

Mặc dù chưa thực sự toàn diện nhưng trong thực tế ở nước ta việc khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa đã phát huy rất nhiều ưu điểm trong thời gian thực hiện các quy định về phong tỏa, giãn cách xã hội trong đợt cao điểm dịch bệnh COVID-19. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh phát triển mạnh loại hình này cũng là một trong những biện pháp cụ thể để thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi số toàn diện./.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3
Icon Quốc hội thảo luận về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13
Icon Quốc hội thảo luận Tổ về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Kinh tế-Xã hội
Icon Quốc hội thảo luận Tổ về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Icon Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE