Theo báo cáo của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, hàng năm đơn vị đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đất đai và các văn bản liên quan khác đến các cộng đồng khu dân cư sống giáp ranh Khu bảo tồn. Đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền địa phương cấp xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giữ vững; trên lâm phần đơn vị không để xẩy ra các điểm nóng về lấn chiếm, tranh chấp, mua bán chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật. Công tác chuyển đổi rừng vì mục đích phi lâm nghiệp được đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật;…Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có hạn chế, tồn tại là còn tình trạng người dân phá rừng, cơi nới nương rẫy, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất; còn có 758 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp chồng lấn, trùng lắp, cấp sai chủ thể quản lý với diện tích 227,2 ha;…
Các đại biểu tham dự đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất đai của khu bảo tồn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn, trùng lắp, sai chủ thể quản lý,… phương hướng, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý vấn đề này; những kiến nghị, đề xuất về tổ chức bộ máy, chế độ chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng;… Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Phạm Đình Thanh đã đánh giá cao những kết quả Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã đạt được trong thời gian qua; Đồng thời thông tin thêm về một số kiến nghị tại buổi làm việc đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và UBND tỉnh qua giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác Quy hoạch trên địa bàn tỉnh Kon Tum kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành". Đối với những kiến nghị còn lại, đồng chí ghi nhận để nghiên cứu, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương;…