Phát biểu thảo luận tại Hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được xây dựng căn cứ vào Luật Quy hoạch, cụ thế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030. Đặc biệt là báo cáo tổng hợp trong Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cơ bản đánh giá được các điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để phát triển mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước. Góp ý liên quan đến vùng Tây Nguyên để làm rõ hơn một số nội dung có liên quan trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước tại khu vực Tây Nguyên và các vùng khác trong thời gian tới sẽ là vấn đề nóng và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trong khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp tới năm 2030 đã xác định tại khu vực Tây Nguyên là nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp như là cây cà phê, hồ tiêu, cao su và chè, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó cần có định hướng cụ thể để đảm bảo nguồn nước tưới cây cà phê, cây chủ lực của Tây Nguyên, đảm bảo cho việc phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo, tại phần ba, Chương 7, Chương 8, Mục 4.3, định hướng về phát triển thủy lợi theo các vùng còn chung chung, do đó đề nghị cần có định hướng cụ thể theo vùng, miền trong thời gian tới để có cơ sở cho việc triển khai.
Quang cảnh kỳ họp bất thường
Quan tâm đến vấn đề định hướng sử dụng đất quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Phước nêu rõ, vấn đề giải giải quyết đất sản xuất cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện định hướng giảm đất sản xuất nông nghiệp thì phải gắn việc phát triển các ngành công nghiệp để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp thì cần có quỹ đất. Hiện nay quỹ đất để phát triển công nghiệp ở Tây Nguyên còn tương đối thấp. Vì vậy, cần tăng diện tích của khu công nghiệp tại Tây Nguyên trong giai đoạn tới để tạo nguồn quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cùng 17 đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Giang và Tiền Giang đã tiến hành gần 2 buổi thảo luận tại Tổ 18 đối với các nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19;... Tại các buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu 19 ý kiến tham gia đối với các nội dung này.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cũng đã tiến hành 2 lần thảo luận tại Đoàn về công tác nhân sự./.