Đối với Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh có 03 ý kiến. Một là về tên gọi của luật, hiện nay một số ý kiến đề nghị đổi tên luật thành "Luật Quản lý nguồn nước", một số ý kiến đề nghị đổi tên luật thành "Luật Quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước". Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Đình Thanh với phạm vi điều chỉnh của luật nhằm thực hiện toàn diện việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng chống khắc phục hậu quả do nước gây ra dự kiến quy định tại Điều 1 Dự thảo luật thì việc sử dụng tên gọi "Luật Tài nguyên nước" là phù hợp. Do đó, đại biểu thống nhất với quan điểm của cơ quan trình và ý kiến đề xuất của cơ quan thẩm tra trình Quốc hội.
Thứ hai là về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra dự kiến quy định tại Điều 4, đại biểu đề nghị xem xét và điều chỉnh lại nội dung quy định tại khoản 4 và khoản 6 của Điều này. Theo đại biểu, cụm từ “phòng ngừa” được sử dụng tại khoản 4 là chưa phù hợp, nên điều chỉnh bổ sung cụm từ này vào nội dung được quy định tại khoản 6 về phòng chống, khắc phục các hậu quả, tác hại do nước gây ra, bởi vì phòng ngừa là việc phòng không cho điều bất lợi, tai hại xảy ra. Theo đó, tại khoản 4 quy định về bảo vệ tài nguyên nước cần bổ sung nội dung quy định để đảm bảo nguyên tắc "chủ động, thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp về công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước”. Đồng thời, để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra quy định tại Khoản 6, cần điều chỉnh và bổ sung nguyên tắc "phải có kế hoạch và biện pháp kịp thời, phù hợp, trong đó lấy phòng ngừa là chính”.
Thứ 3, tại Điều 30, bảo vệ nước dưới đất. Theo đại biểu Thanh, ngoài những nội dung đã được quy định tại Dự thảo luật, cần bổ sung quy định về các chính sách phù hợp khác để khuyến khích việc bổ sung nguồn nước dưới đất bằng các biện pháp nhân tạo.
Theo đại biểu, ngoài việc quản lý, sử dụng nguồn nước tại các hồ, đập thủy lợi, thủy điện hiện có, cần có chính sách hỗ trợ để người dân và các tổ chức xây dựng, cải tạo, tận dụng hồ, đập và các vị trí có khả năng chứa nước, nhất là ở địa bàn miền núi, nhằm tích trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và góp phần duy trì và bổ sung nguồn nước dưới đất.
Đối với Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), tại Điều 5-Những điều cấm lấn chiếm không gian và các quyền thuộc sở hữu, đại biểu Tô Văn Tám thống nhất quy định về không gian nhà ở, đồng thời đề nghị quy định rõ không gian đến đâu, vì không thể có không gian vô hạn.
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu. (Ảnh: VM)
Tại khoản 3, Điều 6 là Nhà nước ban hành cơ chế ưu đãi về tài chính, đất đai, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi...Chính sách này mới chỉ ưu đãi đối với nhà ở xã hội và cải tạo nhà chung cư. Đại biểu Tám cho rằng cần ưu đãi cho nhà ở nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì ở nông thôn nhiều hộ còn nghèo, cận nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa không thể có nhà ở xã hội để ưu đãi.
Đồng thời, đại biểu Tám đặt câu hỏi về thời hạn sử dụng nhà có trùng với thời hạn sở hữu nhà chung cư không thì cần phải quy định rõ. Đại biểu cho rằng không quy định thời hạn đối với nhà ở chung cư. Đối với quy định về việc Trưng mua, trưng dụng quy định tại Điều 9, đại biểu đề nghị rà soát Luật Trưng mua, trưng dụng để tránh trùng lắp.
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cần quy định rạch ròi nhà công vụ với nhà ở thương mại trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).