Phát biểu tại thảo luận tổ, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng việc Quốc hội cho sửa Luật Căn cước công dân là để đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhưng để làm được điều này, đại biểu Tám đề nghị Bộ Công an và các ngành liên quan cần phải thống nhất với nhau.
Điều 10 về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quy định có 24 thông tin cần cập nhật, riêng tại khoản 23, điều này quy định: “Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử”. Thực tế số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử có thể thay đổi nên đại biểu Tám đề nghị cần có quy định để khi cá nhân có thay đổi số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử thì phải cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khoản 1 Điều 11 về thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định: “Trường hợp thông tin, tài liệu quy định tại Điều 10 Luật này chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập nhật từ người dân. Cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan và người dân để kiểm tra tính pháp lý của các thông tin do người dân cung cấp trước khi thu thập, cập nhật để bảo đảm tính chính xác, thống nhất”. Dự thảo Luật này mới có quy định chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập nhật nên đại biểu Tám đề nghị bổ sung “có thay đổi”, nhằm cập nhật thông tin cho kịp thời.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu. Ảnh: VM
Đại biểu Trần Thị Thu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng Quốc hội cho sửa Luật Căn cước công dân là để tích hợp nhiều thông tin vào cơ sở dữ liệu dân cư để phục vụ cho việc chuyển đổi số của quốc gia, trong đó có việc làm căn cước điện tử. Qua đây, đại biểu băn khoăn là đối với các vùng sâu, vùng xa chưa có mạng intenet, người dân nghèo không có điện thoại thông minh (smartphone) thì có khó khăn cho việc phát triển định danh điện tử cho cá nhân không.
Đối với Luật Viễn thông (sửa đổi), tại Điều 6 về bảo vệ, đảm bí mật thông tin, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trường hợp, đó là doanh nghiệp viễn thông được chia sẻ, cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý mà không cần có sự đồng ý của chủ thuê bao, vì tại khoản 7 Điều 4 của Luật Quản lý tài sản công có quy định: Kho số viễn thông là tài sản công nên phải do cơ quan Nhà nước nắm bắt rõ các chủ thể đang sử dụng thuê bao để phục vụ công tác quản lý.
Tại Điều 13, về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, đại biểu Phước đề nghị cần có quy định doanh nghiệp viễn thông phải có nghĩa vụ kết nối, chia sẻ thông tin thuê bao do mình quản lý với các cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý khi được yêu cầu để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.