Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024;... Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia.... Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chăm lo các đối tượng chính sách.
Quang cảnh Phiên làm việc tại Hội Trường
Tại các Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Phạm Đình Thanh đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước mắt, cần có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp địa phương có cơ sở triển khai thực hiện theo đúng quy định hiện hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo;... Đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho phép các hộ nghèo, cận nghèo ngoài việc được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP nhằm có thêm kinh phí để xây dựng nhà ở từng bước nâng cao diện tích, chất lượng nhà ở. Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tranh luận, trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vai trò của nhà trường và xã hội trong việc ngăn chặn bạo lực học đường; Đề nghị ngành văn hóa cần có giải pháp để duy trì, phát huy giá trị văn hóa đạo đức truyền thống, đồng thời định hướng, thúc đẩy, hình thành giá trị văn hóa mới.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cùng 21 đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Nguyên, Đắk Nông và Long An tiếp tục tiến hành 4 buổi thảo luận tại Tổ 7 đối với 7 dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi); Các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Tại các phiên thảo luận này, các đại biểu trong Đoàn đã tham gia phát biểu 3 lượt với 16 ý kiến./.