Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tòa Nhà Quốc hội có các Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội ... và các bộ, ban, ngành ở Trung ương.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: VM
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đang công tác tại địa phương; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đến các chuyên đề giám sát; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024; 09 phát biểu tham luận liên quan đến giám sát như: xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; các hoạt động giám sát và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH … ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và xem phim phóng sự về hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: VM
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có 160 đại biểu tham dự tại Hội trường Diên Hồng và gần 1.500 đại biểu tại 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước; đây là hội nghị lần thứ 3 trong nhiệm kỳ về triển khai chương trình giám sát của Quốc hội.
Quốc hội quan tâm tiếp tục xây dựng những khuôn khổ hoàn thiện thể chế để tiếp tục tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát và đã ban hành Nghị quyết 96/2023/NQ15 để cụ thể hóa Quy định số 96 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn; Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã có văn bản là hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu.
Qua đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hiệu lực, hiệu quả các hình thức, phương thức giám sát của Quốc hội được tăng cường; việc lựa chọn chủ đề chất vấn, cũng như việc tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể; hoạt động tái giám sát được quan tâm nhiều hơn, theo đến cùng các vấn đề; hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt không chỉ đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo cử tri và nhân dân; hoạt động giám sát của HĐND khá đồng đều và diễn ra ở khắp các địa phương; công tác giám sát của Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội có sự đa dạng hóa, chất lượng báo cáo thẩm tra được nâng lên, tập trung vào những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng tiếp tục tăng cường giám sát của Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ “trên dưới, dọc ngang” sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác giám sát.
Đối với Chương trình giám sát năm 2024, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo 8 vấn đề. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.