banner
Thứ 2, ngày 23/12/2024
Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
25-11-2023
Chiều ngày 24/11/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước và Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia ý kiến xây dựng luật.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu chiều ngày 24-11-2023

Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, Giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ rất quan trọng, không chỉ là phương tiện để nhà nước, xã hội công nhận về khả năng của một người có đủ năng lực, điều kiện thực hiện hành vi điều khiển loại phương tiện giao thông nhất định để tham gia giao thông hay không, mà còn là một công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại to lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng Nhân dân. Tình trạng này một phần nguyên nhân chính đó là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao; về mặt pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính chỉ mang tính chất nhất thời chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm;... Vì vậy đại biểu kiến nghị Quốc hội và Ban soạn thảo bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; xem xét sử dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước. Đây là biện pháp tác động trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng tùy vào hành vi vi phạm mà lái xe sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần thì lái xe sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước giấy phép lái xe và buộc phải học lại. Từ đó người điều khiển phương tiện buộc phải tự ý thức về số điểm trên giấy phép của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để bị trừ điểm...

Theo số liệu tại Hội nghị chuyên đề về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh cho thấy, mỗi năm có khoảng 500 em học sinh chết, 800 em bị thương do tai nạn giao thông. Con số đó là không hề nhỏ và trách nhiệm của chúng ta, những người trưởng thành, đặc biệt ở đây chính là những người đang thực hiện vai trò tại cơ quan lập pháp, trong việc phải hoàn thiện pháp luật và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh. Thực tế hiện nay, không khó bắt gặp tình trạng mỗi khi tan trường, khu vực cổng trường lại nhốn nháo, mất an toàn vì học sinh đi bộ tràn ra cả lòng lề đường, vội vã băng qua đường mà không chú ý quan sát, nhiều em học sinh dù chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường... Vấn đề này có nguyên nhân trực tiếp từ ý thức chấp hành quy định giao thông của các em học sinh, nhưng sâu xa hơn nữa, chính là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, của các cơ quan chức năng và của toàn xã hội trong việc giáo dục các em về kiến thức an toàn giao thông, tự bảo vệ bản thân mình... Mỗi em học sinh biết tuân thủ các quy định về giao thông đường bộ là nền tảng để xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong các em, từ đó xây dựng một thế hệ công dân tương lai thượng tôn pháp luật, ứng xử văn minh, văn hóa... Do vậy đề nghị Quốc hội giao cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của các ngành, các cơ quan liên quan trong bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh. Đó cũng chính là giải pháp đảm bảo căn cơ, bền vững, lâu dài.

Hiện nay cả nước có gần 80 triệu phương tiện gồm 6,1 triệu ô tô và 73,4 triệu xe mô tô, mỗi năm lại tăng thêm 500.000 ô tô và 03 triệu ô tô. Đất nước càng phát triển, nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa cũng phát triển mạnh mẽ, tạo áp lực rất lớn đến công tác quản lý của lực lượng chức năng nói chung, trong đó có lực lượng Cảnh sát giao thông. Cùng với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về việc cắt giảm biên chế, lực lượng Công an cũng không được tăng biên chế. Việc hiện đại hóa công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mà còn góp phần điều hành giao thông thông minh, phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sẽ giải quyết vấn đề gây nhức nhối trong thời gian qua đó là tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận nhỏ cán bộ Cảnh sát giao thông suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Với việc ứng dụng những tiến bộ mới của công nghệ thông tin, việc giám sát, phát hiện, xử lý một số hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển giao thông như: Chạy quá tốc độ, đi sai làn, lấn làn, không thắt đai an toàn trên ô tô, vượt đèn đỏ... đều có thể được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo tính công khai, minh bạch, kịp thời trong công tác này. Ngoài ra, còn góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng đối với lực lượng thi hành công vụ.

Vấn đề hiện đại hóa trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông không chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm, mà còn có thể được thực hiện trên rất nhiều công tác khác có liên quan như: Ứng dụng công nghệ trong nâng cao hiệu quả việc điều tra hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc có thể trang bị trên xe tuần tra thêm một số phương tiện sơ cấp cứu phù hợp để lực lượng Cảnh sát giao thông hỗ trợ kịp thời người bị tai nạn... Vì vậy, đề nghị cần thể chế vào luật quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực đầu tư hiện đại hóa các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho yêu cầu nhiệm vụ này

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng cần làm sâu sắc, thuyết phục hơn nữa sự cần thiết xây dựng dự án luật. Theo đại biểu, cần nhấn mạnh tính chất quan trọng của việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, công tác này tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe con người. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là một nội dung của công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bởi vậy, đây là một trong những mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước.

Trong quá trình cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, bên cạnh những kết quả tích cực, tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi các quy định pháp lý trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, đường sắt, đường không, để đảm bảo hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn giao thông ở nước ta. 

Theo đại biểu Tô Văn Tám, phần lớn nguyên nhân gây tai nạn giao thông đều do lỗi con người. Việc thay đổi hành vi ứng xử của người tham gia giao thông cần được ưu tiên, nhằm làm cho vấn đề an toàn giao thông đường bộ có tính chất quy phạm. Điều này có ý nghĩa về văn hóa giao thông, phải được thay đổi, tăng cường để người dân có hành vi đúng mực khi tham gia giao thông. Vấn đề không chỉ là nghiêm cấm, xử phạt thật nghiêm, mà còn là công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông;... do vậy đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của công dân trong việc học tập, quán triệt, hiểu biết Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, để nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm khi tham gia giao thông của người dân.

Hồ Nam, VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Cần có chính sách cụ thể đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn
Icon Cần làm rõ cơ sở quy định mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Icon Cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng
Icon Tăng cường thực hiện thường xuyên giám sát giải quyết kiến nghị cử tri
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về 02 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về 2 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE