banner
Thứ 7, ngày 23/11/2024
Cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng
21-11-2023
Buổi sáng ngày 21/11/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh và 11 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu.
Cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, trong bối cảnh tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, nguy hiểm, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, ngành kiểm sát, ngành tòa án, nhiều chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết 96 của Quốc hội đã được thực hiện đạt và vượt. Đặc biệt việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, kịp thời xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã củng cố thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân về kết quả thực thi pháp luật.

Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị, trước diễn biến tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, phức tạp hiện nay cần phải tập trung thực hiện thật tốt công tác phòng ngừa và chủ động ngăn chặn hành vi phạm tội của các loại đối tượng. Để làm tốt công tác này, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền phải thực sự vào cuộc cùng với cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý tội phạm. Trong phòng ngừa tội phạm cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng Internet. Phải làm cho người dân hiểu, cảnh giác, tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh tố giác hành vi vi phạm, tội phạm. Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện, thắc mắc về vấn đề giải tỏa đền bù, tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án, không để phát sinh vụ việc phức tạp, đáng tiếc như đã từng xảy ra ở Tây Nguyên. Hiện nay, ở Tây Nguyên có trường hợp dự án thủy điện đã hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại hàng chục năm nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho người dân, chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vào khu tái định cư… đang gây bức xúc trong nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện gây mất an ninh trật tự, cần phải được rà soát và sớm xử lý dứt điểm.

Quang cảnh phiên thảo luật sáng ngày 21-11-2023

Thứ hai, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng khoa học, sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao. Khắc phục cho được tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, tâm lý giữ an toàn đã khiến cho tinh thần ý chí tấn công tội phạm có lúc, có nơi giảm sút trong một bộ phận cán bộ điều tra viên như nội dung phản ánh của Chính phủ trong báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Thứ ba, về những vấn đề cụ thể. Qua kết quả giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xử lý tội phạm và thi hành án hình sự, nổi lên một số khó khăn, vướng mắc cần được Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp Trung ương quan tâm chỉ đạo, xem xét tháo gỡ như:

Một, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự đã giao công an xã thực hiện một số nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân cũng phải thực hiện thêm nhiệm vụ kiểm sát đối với hoạt động này của lực lượng công an xã. Tuy nhiên, đến nay chưa có quy định nào bổ sung lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện khối lượng công việc tăng thêm sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành.

Hai, quy định của pháp luật về việc thay đổi hình thức bảo quản vật chứng đối với những vật chứng khó bảo quản, dễ hư hỏng, để lâu sẽ làm mất giá trị bằng việc bán đấu giá nhưng lại quy định số tiền thu được phải nộp toàn bộ vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra, không được trích trừ thanh toán các chi phí hợp lý như thu gom, bảo quản, đấu giá vật chứng; chỉ được trích trừ khi vụ án đã có quyết định đình chỉ hoặc đã xét xử. Thực tế ở vùng Tây Nguyên, các vụ án hủy hoại rừng, vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng, khai thác lâm sản trái phép, vật chứng là gỗ có kích thước, khối lượng lớn ở trong rừng sâu, địa hình phức tạp, việc thu gom, vận chuyển ra khu vực tập kết bảo quản yêu cầu chi phí rất cao, cơ quan điều tra không đảm bảo được. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vật chứng nằm ở hiện trường trong thời gian dài, mất giá trị, dẫn đến số tiền thu được qua đấu giá thấp hơn chi phí thu gom, bảo quản đấu giá vật chứng. Thực trạng này đã và đang gây khó khăn đối với hoạt động của cơ quan điều tra cần được sớm xem xét tháo gỡ.

Ba, về thực hiện chính sách tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự và báo cáo của Viện kiểm sát một số tỉnh cho thấy một số nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết 01 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa rõ, chưa cụ thể, có nội dung chưa sát với thực tế, dẫn đến việc nhiều trường hợp cơ quan thi hành án hình sự lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn đã được Viện kiểm sát thống nhất nhưng không được Hội đồng xét tha tù trước thời hạn của Tòa án chấp nhận với lý do chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quy định người được tha tù trước thời hạn lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc… được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng là một trong những điều kiện để được rút ngắn thời gian thử thách, trường hợp này trong thực tế hầu như không xảy ra.

Thực trạng trên cho thấy chưa có sự thống nhất cao giữa cơ quan xét đề nghị và quyết định chính sách tha tù trước thời hạn có điều kiện, từ đó đã gây lúng túng, khó khăn nhất định đối với cơ quan thi hành án hình sự trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách này. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tâm lý và động cơ phấn đấu cải tạo của phạm nhân cần phải được quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn để thực hiện thống nhất chính sách khoan hồng của nhà nước về giảm án tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian tới./.

Hồ Nam, VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Tăng cường thực hiện thường xuyên giám sát giải quyết kiến nghị cử tri
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về 02 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về 2 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu
Icon Cần có giải pháp để duy trì, phát huy giá trị văn hóa đạo đức truyền thống
Icon Cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE