Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, đã có sự đổi mới rất lớn trong quá trình tổ chức sự kiện kỷ niệm 70 năm “Chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là năm nay, đã kết hợp tổ chức các chương trình kỷ niệm 70 năm với triển khai các hoạt động của Năm du lịch quốc gia - Điện Biên và lễ hội Hoa Ban 2024. Có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, sự đầu tư nguồn lực to lớn, không chỉ về cơ sở vật chất mà còn là sự đầu tư về thời gian, công sức; chỉnh chu trong các hoạt động liên quan của những người đứng đầu Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; Hầu hết các kênh truyền thanh, truyền hình, báo chí đều tích cực, chủ động đưa tin về các chương trình trong và xung quanh sự kiện này.... đã đưa “không khí 70 năm Chiến thắng” lan tỏa khắp mọi nơi, làm dâng lên cảm xúc tự hào, niềm hân hoan vô bờ về sự cố gắng, mưu trí, sáng tạo, anh dũng của những người hùng đã sống, chiến đấu và hy sinh cho độc lập và tự do của dân tộc; hiểu được tầm vóc thời đại và giá trị to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ của Đảng và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến năm xưa. Đồng thời đã thực sự tạo ra sự “bùng nổ” đối với du lịch Điện Biên, những từ khóa như “cháy vé máy bay”, “cháy tour”, “cháy phòng khách sạn” để nói về sức hút sự kiện này liên tục xuất hiện và được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội cho thấy sự quan tâm rất lớn của người dân trong nước, nhất là trong giới trẻ đối với Điện Biên nói chung và sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng.
Từ những kết quả trên, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, để đánh thức được tiềm năng phát triển của các địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thì con đường đúng đắn nhất là phải có sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ về văn hóa, du lịch. Không chỉ Điện Biên, mà còn rất nhiều những địa phương khác như các tỉnh Tây nguyên, vì những khó khăn về điều kiện đường xá, sinh hoạt, sản xuất, đời sống người dân vô cùng vất vả. Nhưng bù lại, những nơi đó lại có những cảnh quan tươi đẹp; di tích sự kiện lịch sử; có nhiều nét văn hóa đa dạng. Những điều kiện đó, nếu được quan tâm đầu tư, khai thác không chỉ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mà đó còn là con đường tất yếu để bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa trong thời đại hiện nay; không chỉ tạo sự “đột phá”, “sức sống mới” trong hiện tại, mà còn là giải pháp phát triển bền vững, dài hạn của tương lai.
Để làm được điều đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị bên cạnh việc bố trí đúng, đủ nguồn lực cho “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính phủ; sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan với các địa phương, nhất là những địa phương còn nhiều khó khăn, ít kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với văn hóa, du lịch, Đồng thời, có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, chủ động, nỗ lực hết mình để có chính sách, cách làm phù hợp, đột phá, giúp địa phương mình phát triển đi lên cùng đất nước, quyết tâm cải thiện đời sống, đưa người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương mình vươn lên, thoát nghèo bền vững./.