Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024;.... đại biểu Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum đã phát biểu tham gia 5 ý kiến về: Cùng với việc tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng để có bước chuyển nhanh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; Có các cơ chế, chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tận dụng tối đa lợi thế hiện có, phục vụ cho phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao và bền vững; Cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, có giải pháp cụ thể để chủ động về nguồn vật liệu san lấp, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, giao thông liên kết vùng; Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 152 ngày 15/11/2022, nhất là đối với nhóm Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên; Về nuôi trồng, phát triển cây dược liệu trong các loại rừng. Đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị bên cạnh việc bố trí đúng, đủ nguồn lực cho “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính phủ; sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan với các địa phương; Đồng thời, có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, chủ động, nỗ lực hết mình để có chính sách, cách làm phù hợp, đột phá, giúp địa phương mình phát triển đi lên cùng đất nước,...
ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu thảo luận
Tại phiên thảo luận về Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025;... đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum đã phát biểu tham gia 5 ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát và có chính sách hỗ trợ phù hợp về nguồn lực cho các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội để đủ sức thực hiện tốt công tác giám sát theo chức trách nhiệm vụ; Ngoài việc triển khai thực hiện các cuộc giám sát theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội quan tâm đúng mức đến việc giám sát kết quả giải quyết đối với vụ việc cụ thể; Sớm hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập của luật hiện hành.
Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Cần hoàn thiện quy định, chính sách, cơ chế để thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện trước khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Xem xét việc quy đổi số dư thời gian đóng bảo hiểm xã hội ra năm đóng bảo hiểm khi tính chế độ hưu trí. Đại biểu Trần Thị Thu Phước đã phát biểu tham gia 3 ý kiến đề nghị cân nhắc việc tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang; Cần tính toán lại mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội để thay thế cho mức lương cơ sở; Cân nhắc đưa trợ cấp gia đình vào hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam.
Quang cảnh phiên làm việc tại Hội trường
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp tục tham gia thảo luận Tổ 04 cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hải Phòng đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022;... Tại các phiên làm việc này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã phát biểu 3 lượt tham gia thảo luận đối với các nội dung này./.