banner
Thứ 5, ngày 7/11/2024
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản
6-11-2024
Chiều ngày 05/11/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Tại phiên thảo luận này, đồng chí Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum đã cùng 21 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu tham gia ý kiến xây dựng luật.
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh phát biểu tham gia xây dựng luật

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trình ra kỳ họp này. Tuy nhiên, qua khảo sát việc thực thi pháp luật về khoáng sản hiện hành, đề nghị Ban soạn thảo, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật các nội dung quy định cụ thể để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay như sau: Thứ nhất, về vấn đề gia hạn, cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản. Hiện nay, do quy định không thống nhất giữa Điều 55 và điều khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 84 Luật khoáng sản năm 2010, nên quyền đề nghị gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản (cấp trước ngày 01/7/2011) theo quy định tại Điều 55 của khoáng sản Luật không thực hiện được. Khi giấy phép hết thời hạn, thì phải đình chỉ hoạt động (dù chưa khai thác hết trữ lượng được cấp phép). Bên cạnh đó có một bất cập nữa là, mặc dù tổ chức, cá nhân này không được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, chưa khai thác hết trữ lượng được cấp phép nhưng lại không được trả lại tiền đã nộp cho 100% trữ lượng khi cấp quyền khai thác khoáng sản; việc cấp lại giấy phép gặp nhiều khó khăn, phải chờ đợi quy định mới… từ đó đã dẫn đến nhiều bức xúc, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Quang cảnh phiên làm việc

Thứ hai, quy định về trình tự thủ tục cấp phép của Luật Khoáng sản năm 2010 không phân biệt đối tượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản công nghiệp, xây dựng khác; cũng như không phân biệt quy mô, khu vực địa lý, địa bàn kinh tế - xã hội…. Dẫn đến việc cấp phép các mỏ khoáng sản có quy mô nhỏ, nhất là các mỏ vật liệu xây dựng thông thường ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội khó khăn không thể thực hiện theo quy trình thủ tục như luật định: Từ đấu giá đến cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường... (vì mục tiêu khai thác nhỏ, thị trường kinh doanh hạn hẹp... không đủ chi phí đầu tư cho quy trình thủ tục). Và có một vấn đề bất cập lớn hiện nay là đất san lấp, đất đắp. Theo các văn bản hướng dẫn dưới luật, “đất” được xem là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phải áp dụng các cơ chế quản lý theo pháp luật về khoáng sản, từ đó phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc gây trì trệ trong đầu tư và tiến độ xây dựng. Thực tế, hầu hết các công trình đầu tư công và kể cả các dự án đầu tư của các tổ chức kinh tế ngoài khu vực công; các công trình công nghiệp, nông nghiệp dân dụng ở địa hình có độ dốc cao... trong quá trình chuẩn bị mặt bằng đều có thi công đào, đắp đất từ nơi thừa đến nơi thiếu hoặc dôi dư thì tập kết về bãi thải. Các hoạt động này đang được xem là khai thác, sử dụng khoáng sản đất san lấp, nên kéo theo hàng loạt các thủ tục pháp lý và các nghĩa vụ tài chính liên quan phải thực hiện, gây ách tắc, kéo dài thời gian, nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa hiểu và không thực hiện đầy đủ quy định này dẫn đến vi phạm pháp luật phải xử lý.

Thứ ba, địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có địa hình chủ yếu đồi núi dốc, sông suối nhỏ có dòng chảy mạnh, dẫn đến lượng cát sỏi tích tụ, bồi lắng thường xuyên có sự biến động lớn về trữ lượng theo mùa (mùa mưa lũ và mùa khô). Tuy nhiên, quy định của pháp luật về Khoáng sản chưa có hướng để giải quyết việc quản lý, cấp phép đối với phần tài nguyên cát, sỏi lòng sông được bồi lắng này, nên dẫn đến tình trạng, nhu cầu thì rất lớn nhưng các địa phương lại rất lúng túng trong việc tận dụng lượng cát, sỏi bồi lắng này để phục vụ cho việc xây dựng các công trình; lượng cát sỏi bồi lắng này thường xuyên được bổ sung theo chu kỳ rất phù hợp cho việc khai thác, tận thu để phục vụ cho nhu cầu cấp bách trong xây dựng hiện nay.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, những vấn đề nêu trên rất cần được xem xét, tháo gỡ trong quá trình hoàn thiện pháp luật về địa chất khoáng sản lần này./.

CTQH  
Tin liên quan:
Icon Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hủy bỏ đối với quy hoạch xây dựng thuộc dự án đầu tư
Icon Đánh giá làm rõ hơn những hạn chế, bất cập trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở
Icon Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự
Icon Quốc hội thảo luận Tổ đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội
Icon Quốc hội thảo luận các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dữ liệu
Icon Bảo đảm quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE