Đại biểu Phạm Đình Thanh rất quan tâm với nội dung đánh giá của Chính phủ, đó là: tình hình ma túy ở trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ cao phạm tội về ma túy và các tội phạm khác.
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu ý kiến thảo luận
Để giải quyết vấn nạn về ma túy nêu trên, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất cao với chủ trương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 để tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025. Và, để chủ động chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc thực hiện Chương trình, đại biểu quan tâm và đề nghị 02 vấn đề sau: Một là, cần quan tâm và thực hiện ngay chủ trương sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới cơ sở cai nghiện ma túy ở các địa phương, đảm bảo 100% địa phương cấp tỉnh có cơ sở cai nghiện và các điều kiện khác về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực... để phục vụ cho công tác cai nghiện ma túy. Hiện nay còn 03 địa phương cấp tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện ma túy (đó là Kon Tum, Đăk Nông và Hậu Giang). Vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể tại Thông báo 47/TB-VPCP ngày 07/2/2024 của Văn phòng Chính phủ, thông báo Kết luận Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, vấn đề xây dựng mới cơ sở cai nghiện ma túy ở các địa phương này, cần phải được triển khai ngay để chuẩn bị tốt cho việc tổ chức thực hiện, đảm bảo đạt mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể về cơ sở vật chất phục vụ cai nghiện và hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy được xác định tại Chương trình. Đề nghị Chính phủ và các bộ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính) quan tâm chỉ đạo và sớm bố trí nguồn vốn để các địa phương triển khai thực hiện.
Thứ hai, về trợ giúp pháp lý cho các đối tượng liên quan đến ma túy. Trong thực tế, số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý chiếm tỷ lệ tương đối cao, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, cửa khẩu,... Do đó, để thực hiện đạt chỉ tiêu trợ giúp pháp lý cho người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp khi có yêu cầu (Tỷ lệ này được xác định trong Chương trình là trên 95%). Đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương thực hiện ngay việc chỉ đạo, rà soát và có biện pháp cụ thể để củng cố về lực lượng, phương tiện, điều kiện làm việc và chính sách đãi ngộ, nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trợ giúp viên, viên chức ở các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (thuộc sở Tư pháp các tỉnh, thành phố) trong việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng có liên quan đến ma túy đã được xác định tại Chương trình.
ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu ý kiến thảo luận
Hiện nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở các địa phương đang là lực lượng nòng cốt, chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng được quy định tại Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý, như: Trẻ em; Người thuộc hộ nghèo; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người nhiễm chất độc da cam; Người khuyết tật; Người nhiễm HIV... Tức là họ đang trực tiếp tổ chức thực hiện một chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Thế nhưng, thời gian qua và nhất là trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, thuộc sở Tư pháp các tỉnh. thành phố gặp rất nhiều khó khăn, rất cần được nhà nước quan tâm bổ sung về cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ về vật chất, phương tiện làm việc và các chế độ đãi ngộ phù hợp cho lực lượng này, để đảm bảo tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc mà họ đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm hơn đối với vấn đề này.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước thống nhất cao việc xây dựng và ban hành Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua;...
Phát biểu kết thúc Phiên thảo luận, đồng chí U Huấn đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến nhưng chưa phát biểu, gửi ý kiến tham gia bằng văn bản về Tổng thư kí Quốc hội, Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 và các dự án luật này./.