banner
Thứ 6, ngày 27/12/2024
Quốc hội thảo luận Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
14-11-2024
Chiều ngày 13/11/2024, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Quốc hội thảo luận Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận chiều 13-11-2024

Để giải quyết hữu hiệu vấn nạn về ma túy đang diễn biến rất phức tạp trong cả nước, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum thống nhất chủ trương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 như tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị về nguồn lực đầu tư và các điều kiện đảm bảo khác để thực hiện Chương trình cần được quan tâm bố trí đầy đủ hơn và mạnh hơn giai đoạn trước. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong các Dự án, tiểu dự án phải đồng bộ và quyết liệt hơn để thực hiện cho được mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể của Chương trình (sau khi được Quốc hội thống nhất phê duyệt).

Về nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và các vấn đề cụ thể của Chương trình, đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia một số ý kiến như sau: Thứ nhất, để thực hiện hiệu quả mục tiêu đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ bên ngoài biên giới lãnh thổ; trên các tuyến trọng điểm, biên giới, trên biển và hàng không; tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để phạm tội về ma túy... Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư thỏa đáng và đồng bộ hơn cho các lực lượng chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn về ma túy. Và theo đó, đề nghị nâng tỷ lệ người được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để thu thập, khai thác, chia sẻ dữ liệu thông tin phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cấp bộ, cấp tỉnh và lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý của Cảnh sát biển, bộ đội biên phòng lên cao hơn so với tỷ lệ dự kiến quy định trong Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình (Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình dự kiến quy định tỷ lệ này là 70%).

Quang cảnh phiên thảo luận

Thứ hai, về bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu và trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ. Dự thảo Nghị quyết đã đề cập đến đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Hải quan, Bộ đội biên phòng. Đại biểu Phạm Đình Thanh nhận thấy còn một lực lượng rất cần được tập huấn, bồi dưỡng về pháp luật, nghiệp vụ và cần quan tâm sử dụng để phối hợp với lực lượng công an, trước hết là công an xã trong việc thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể về quản lý người nghiện ma tuý ở địa bàn; về giữ vững và nhân rộng các xã, phường, thị trấn không có ma túy... đó là Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Do đó, đề nghị bổ sung và xác định rõ tỷ lệ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng về pháp luật, nghiệp vụ để tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy mà Chương trình đã xác định. Phải đảm bảo các điều kiện cần thiết, huy động và tổ chức để lực lượng này tham gia có hiệu quả đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy ngay tại địa bàn thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư.

 Thứ ba, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay trong toàn quốc có 83,7% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy; tức là có 16,3% số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy và theo Dự thảo nghị quyết, phấn đấu đến năm 2030 có trên 20% số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; đại biểu Phạm Đình Thanh nhận thấy đây là những con số rất đáng quan tâm.

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, vấn đề này cần phải được đánh giá kỹ hơn về thực trạng, làm rõ nguyên nhân và có các giải pháp quyết liệt hơn để nâng cao tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy qua hằng năm và phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu xây dựng địa bàn cấp huyện, địa bàn cấp tỉnh không có ma tuý.

Thứ tư, đề nghị trong quản lý người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy... cần phải đặc biệt chú ý đối với số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng; người có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”; số người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp... Vì đây chính là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ cao của tội phạm về ma túy và các tội phạm khác.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông
Icon Bộ Y Tế đang xây dựng cuốn Sổ tay Cẩm nang hướng dẫn về việc đấu thầu thuốc
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ Ba của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận Tổ về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
Icon Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản
Icon Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hủy bỏ đối với quy hoạch xây dựng thuộc dự án đầu tư
Icon Đánh giá làm rõ hơn những hạn chế, bất cập trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở
Icon Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE