banner
Thứ 4, ngày 4/12/2024
Quốc hội thảo luận dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
1-12-2024
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sau khi biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên; Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Tại Phiên thảo luận này, đồng chí Phạm Đình Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum đã phát biểu tham gia 03 ý kiến xây dựng luật.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu ý kiến sáng ngày 30-11-2024

Với yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước (theo đại biểu Phạm Đình Thanh đây là xu thế tất yếu của phát triển). Do đó đại biểu thống nhất cao việc xây dựng, ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số.

Qua nghiên cứu tờ trình và dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Thanh liên hệ đến thực trạng về nguồn nhân lực được đánh giá tại Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đánh giá của Chính phủ tại báo cáo này thì hiện nay chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn... Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển. Trước thực trạng đó, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị:

Thứ nhất, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo luật các quy định cụ thể để Quốc hội, Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư mạnh và đồng bộ hơn nhằm xây dựng, nâng cao thật sự về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và yêu cầu phát triển của đất nước cả trước mắt và lâu dài. Cần có các chính sách cụ thể để thu hút nhân lực công nghệ số có chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chuyên nghiệp; khuyến khích, mở rộng và phát huy các mô hình đào tạo mới. Ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; Đồng thời có chính sách phù hợp, khuyến khích các tập đoàn công nghệ nước ngoài đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam.

Quang cảnh phiên họp sáng ngày 30-11-2024

 

Thứ hai, có một vấn đề đại biểu Phạm Đình Thanh thấy rất cần thiết và rất thiết thực, nếu được thì quy định vào dự án luật này hoặc là có định hướng về chính sách để Chính phủ nghiên cứu thực hiện. Đó là: Thí điểm việc hằng năm lựa chọn sinh viên giỏi với số lượng phù hợp để đưa đi đào tạo ở các nước tiên tiến về công nghệ số để về phục vụ đất nước trong những năm tiếp theo và trong tương lai.

Thứ ba, về việc áp dụng Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến quy định tại Điều 4 dự thảo luật. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh các nội dung dự kiến quy định tại Điều này đã được quy định rõ tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể khoản 2, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn” và khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh quy định về việc áp dụng luật tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay là đã rõ và đầy đủ; Và việc áp dụng pháp luật không chỉ riêng đối với luật này mà các luật khác Quốc hội sẽ xem xét thông qua, cũng nên quy định chung một nội dung, đó là “việc áp dụng luật thực hiện theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” là thống nhất và đầy đủ.

Trước đó đại biểu Phạm Đình Thanh đã có văn bản đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân đến hết ngày 31/12/2025 đối với vốn ngân sách nhà nước của Chương trình MTQG DTTS và MN chưa giải ngân hết trong năm 2024 để đảm bảo đủ nguồn lực cho các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động của Chương trình sau khi các khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Phạm Đình Thanh và một số đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV trình Quốc hội thông qua với nội dung: “7. Giao Chính phủ tổng kết và báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện các Nghị quyết số 120/2020/QH14, số 24/2021/QH15, số 25/2021/QH15 và các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia và đề xuất Chương trình cho giai đoạn 2026 - 2030. Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2022, năm 2023 được chuyển nguồn sang năm 2024) đến hết ngày 31/12/2025”./.

 

Hồ Nam VPĐ ĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Không nên quy định cứng trong luật về cơ quan tham mưu tổ chức hoạt động giám sát
Icon Cần nghiên cứu sâu và đề ra giải pháp tổng thể để huy động toàn xã hội tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ Năm của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Icon Cần sửa quy định về số lượng thành viên Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội
Icon Quốc hội thảo luận Dự án Luật Nhà giáo
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ Tư của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Icon Chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông
Icon Bộ Y Tế đang xây dựng cuốn Sổ tay Cẩm nang hướng dẫn về việc đấu thầu thuốc
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE