Sáng 20/11/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Tô Văn Tám và 35 đại biểu đã phát biểu thảo luận và 4 đại biểu phát biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, nhất là Nghị quyết 25 và Kết luận số 91 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đồng thời đề cập đến nhiều vấn đề sâu sắc từ thực tiễn nhằm hoàn thiện dự thảo luật, xây dựng cho được một đạo luật chuyên ngành cụ thể hóa đầy đủ, đúng mức sự quan tâm của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong phát triển đất nước bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan, khắc phục sự chồng chéo, thiếu đồng bộ. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về chính sách nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là những chính sách đột phá về tiền lương, về phụ cấp ngành nghề, phụ cấp khu vực, việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính, sự nghiệp; chính sách hỗ trợ nhà ở công vụ để thu hút đội ngũ nhà giáo; về chức danh nhà giáo, quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; việc đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng; chính sách điều động, thuyên chuyển và việc bảo lưu chế độ cho nhà giáo được điều động, thuyên chuyển xét trong mối tương quan với đội ngũ cán bộ, viên chức trong hệ thống chính trị;…
Quang cảnh Phiên thảo luận sáng 20-11-2024
Phát biểu thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám thống nhất sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo và tham gia 5 ý kiến xây dựng luật về tuyển dụng nhà giáo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; thuyên chuyển nhà giáo; chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo; việc áp dụng đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;… Về tuyển dụng nhà giáo, dự thảo luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng, đại biểu Tô Văn Tám tán thành với quy định này, việc trao quyền như vậy là tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục. Tuy nhiên cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng để dễ thực hiện khi tuyển dụng và đảm bảo tính khả thi của quy định này.
ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu xây dựng luật
Về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, Điều 14 dự thảo luật quy định 3 hệ thống tiêu chuẩn nhà giáo. Tại khoản 1 đó là tiêu chuẩn chung về đạo đức nhà giáo, quy định này đúng nhưng chưa đủ. Theo đại biểu Tô Văn Tám giáo dục có vai trò quan trọng, ở đó nhà giáo là trung tâm, người quyết định chất lượng đào tạo, giáo dục con người, trực tiếp tác động, truyền thụ tư duy, tư tưởng, kiến thức cho các thế hệ người học. Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị ở nhà giáo. Phẩm chất này thể hiện phản ánh trình độ giác ngộ chính trị, trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản, giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các tri thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất, nhân cách của người học, lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng của nhà giáo.
Về thuyên chuyển nhà giáo, tại khoản 3, Điều 23 quy định "giáo viên công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục giải quyết cho thuyên chuyển, khi nơi đến đồng ý tiếp nhận". Về mặt lý thuyết, quy định như vậy là ổn và đầy đủ, nhưng với điều kiện là "nơi đến đồng ý tiếp nhận" thực tế là khó khăn cho nhà giáo và tính khả thi không cao. Thực tế cho thấy có tình trạng các giáo viên khi muốn thuyên chuyển thì cơ sở giáo dục không cho đi vì lý do thiếu giáo viên, nơi tiếp nhận thì không tiếp nhận vì lý do đã đủ giáo viên. Từ đó, nhà giáo phải xin với rất nhiều khó khăn và hệ lụy. Để cho quy định này có tính khả thi cao nên quy định theo hướng xác định đây là quyền của nhà giáo. Theo khoa học pháp lý thì quyền của chủ thể này được đảm bảo thực hiện bằng nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ thể khác. Như vậy, cần quy định nơi đến phải có trách nhiệm tiếp nhận khi nhà giáo thuyên chuyển đến, cơ quan quản lý giáo dục có trách nhiệm điều phối trong quá trình thực hiện quyền thuyên chuyển của nhà giáo.
Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo. Tại khoản 2, Điều 30 quy định "nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non được nghỉ hưu thấp hơn không quá 5 năm và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi". Theo đại biểu Tô Văn Tám, quy định như thế là phù hợp với thực tế và mang tính nhân văn, đáp ứng nguyện vọng của nhà giáo mầm non, kể cả nhà giáo tiểu học cũng muốn như thế. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề là nguyên tắc đóng hưởng ở trong Luật Bảo hiểm xã hội. Muốn cho quy định này có tính khả thi cao thì cần phải xem xét, bổ sung thêm về cơ chế nào đó phù hợp để đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng của nhà giáo. Vậy thì ngân sách nhà nước có thể bù vào chỗ này không hay là có cơ chế nào khác để đảm bảo tính khả thi của quy định. Nếu như có những cơ chế đảm bảo tính khả thi như vậy thì có thể xem xét thêm cho các nhà giáo tiểu học;…