Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra như sau: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8-1%; Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 15 bác sĩ; Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 34,5 giường bệnh; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80,5-81,5%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
ĐBQH Trần Thị Thu Phước, phát biểu thảo luận tại Hội trường
Tại các Phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Thu Phước đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cụ thể hơn để hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương đảm bảo được nguồn vốn vay của các chương trình tín dụng cho các đối tượng chính sách. Đại biểu Tô Văn Tám đã chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vùng lõm và vùng trắng thông tin về viễn thông; Chất lượng thông tin mà vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã, đang và sẽ được tiếp cận khi xóa vùng lõm; Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết về tinh thần trách nhiệm của một bộ phận những người có trách nhiệm trong việc thực hiện đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế để bảo đảm công tác khám chữa bệnh.
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận tại Hội trường
Tại Phiên thảo luận về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 6 ý kiến về: Thống nhất chủ trương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 như tờ trình của Chính phủ. Đề nghị về nguồn lực đầu tư và các điều kiện đảm bảo khác để thực hiện Chương trình cần được quan tâm bố trí đầy đủ hơn và mạnh hơn giai đoạn trước. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong các Dự án, tiểu dự án phải đồng bộ và quyết liệt hơn để thực hiện cho được mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể của Chương trình (sau khi được Quốc hội thống nhất phê duyệt). Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư thỏa đáng và đồng bộ hơn cho các lực lượng chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn về ma túy; Theo đó, đề nghị nâng tỷ lệ người được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để thu thập, khai thác, chia sẻ dữ liệu thông tin phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cấp bộ, cấp tỉnh và lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý của Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng lên cao hơn so với tỷ lệ dự kiến quy định trong Dự thảo Nghị quyết. Đề nghị bổ sung và xác định rõ tỷ lệ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng về pháp luật, nghiệp vụ để tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy mà Chương trình đã xác định; Phải đảm bảo các điều kiện cần thiết, huy động và tổ chức để lực lượng này tham gia có hiệu quả đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy ngay tại địa bàn thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư. Cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng, làm rõ nguyên nhân và có các giải pháp quyết liệt hơn để nâng cao tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy qua hằng năm và phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu xây dựng địa bàn cấp huyện, địa bàn cấp tỉnh không có ma tuý. Trong quản lý người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy... cần phải đặc biệt chú ý đối với số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng; người có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”; số người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp... Vì đây chính là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ cao của tội phạm về ma túy và các tội phạm khác.
ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu sáng ngày 13-11-2024
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp tục tham gia hơn 01 Phiên thảo luận Tổ 8 cùng các đại biểu Quốc hội các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên và Cần Thơ đối với Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất;... Tại Phiên làm việc này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã phát biểu 1 lượt tham gia ý kiến thảo luận đối với các nội dung này.