Trong pháp luật quốc tế, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo bao gồm các vấn đề: Tự do có, theo hoặc thay đổi một tôn giáo hay tín ngưỡng do mình lựa chọn; tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc không công khai dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng. Tuy nhiên các văn kiện pháp lý quốc tế cũng khẳng định: “Tự do tín ngưỡng và tôn giáo cũng không phải là tuyệt đối, các nhà nước có thể hạn chế các tự do này nếu đó là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khoẻ đạo đức của cộng đồng, hoặc để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người khác khỏi bị xâm hại” (Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị). Như vậy chúng ta thấy rằng pháp luật quốc tế cũng thừa nhận quyền này không phải là tuyệt đối, các quốc gia có thể giới hạn, nếu sự giới hạn đó là cần thiết cho an ninh quốc gia, đạo đức xã hội và bảo vệ quyền cơ bản của người khác.
Pháp luật nước ta vẫn coi các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc phê chuẩn, là một nguồn của pháp luật quốc gia, bởi vậy các nội dung pháp luật quy định về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo đều tính đến và phù hợp với nội dung của pháp luật quốc tế. Hiến pháp nước ta long trọng ghi nhận “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, những nơi thờ tự của các tín ngưỡng tôn giáo được pháp luật bảo hộ” quy định này của hiến pháp được cụ thể hoá trong các đạo luật của nước ta, như điều 47 của Bộ luật dân sự năm 1995 quy định “Cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo hoặc không theo tôn giáo nào, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo, hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng quyền lợi ích hợp pháp của người khác”. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định tố tụng hình sự tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc nam nữ, tín ngưỡng tôn giáo. như vậy pháp luật nước ta một mặt thừa nhận và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, mặt khác nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tôn giáo gây phương hại cho lợi ích xã hội, lợi ích người khác, hoặc chia rẽ sự đoàn kết giữa những người có đạo với người không có đạo hoặc giữa những người có đạo với nhau, vấn đề này pháp luật định rõ: “Không ai được lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân với các tổ chức xã hội cấu thành tội phạm hình sự”, những hành vi đó sẽ bị xử lý, tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà tiến hành áp dụng các hình thức xử lý thích hợp, mà hình thức xử lý cao nhất là xử lý hình sự. Điều 129 Bộ luật hình sự năm1999 quy định về tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân.
Phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về quyền dân sự chính tri, về những giới hạn có thể áp đặt với quyền này, pháp luật nước ta bên cạnh khẳng định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng đã quy định: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Khoản 3 điều 24 Hiến pháp 2013); “Chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái chính sách pháp luật của nhà nước” (Điều 13 Luật tổ chức chính phủ), Bộ luật dân sự 1995 cũng quy định cấm những hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo và các hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo. Như vậy hiến pháp và các luật thực định của nước ta đều áp đặt giới hạn về quyền này, trên cơ sở đó các hành vi bị cấm được cụ thể hoá trong Nghị định 26/1999/NĐ-CP của Chính phủ đó là các hành vi: Hoạt động mê tín dị đoan; vận động tín đồ đóng góp (việc tổ chức quyên góp phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho phép); hoạt động trái tôn chỉ mục đích đường hướng hành đạo; in, sản xuất kinh doanh, lưu hành tàng trữ sách báo văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, gây chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc, gây mất đoàn kết trong nhân dân vv...
Những hạn chế quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, được quy định trong công ước quốc tế, đều được các quốc gia thành viên áp dụng trong pháp luật nước mình, theo đó các loại hình tổ chức, hoạt động tôn giáo “Ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội” đều bị liệt vào tà đạo và các quốc gia không cho phép hoạt động, thậm chí còn sử dụng vũ lực để loại bỏ, như ở mỹ đã sử dụng xe bọc thép và hơi cay tấn công vào nơi hành đạo của giáo phái Đa-Vi-Đi-an vào tháng 2 năm 1993 với lý do là tà giáo, Trung Quốc trấn áp Pháp luân công, một tà giáo mà chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến hơn 1700 người Trung Quốc tin theo nó mà tự tử hoặc bị bệnh tâm thần, Nhật Bản cũng đã loại trừ giáo phái A-um một tà giáo đã dùng hơi độc tấn công ga tàu điện ngầm vv... chúng ta ở một số địa phương cũng đã xuất hiện tà giáo, như ở tỉnh ta cái gọi là “Đạo Hà Mòn” đó chính là tà đạo, cần phải loại bỏ bằng các biện pháp vận động thuyết phục và bằng cả biện pháp mạnh, để đảm bảo cho tôn giáo hoạt động lành mạnh tốt đời đẹp đạo, sống phúc âm giữa lòng dân tộc.
Các quyền về dân sự và chính trị của con người được pháp luật quốc tế thừa nhận, và yêu cầu các quốc gia thành viên thừa nhận và thực hiện, tuy nhiên các quyền đó không phải là tuyệt đối, pháp luật quốc tế cũng quy định giới hạn nhiều quyền, vì lợi ích của cộng động, lợi ích người khác, hoặc an ninh trật tự quốc gia, như quyền tự do đi lại lựa chọn nơi ở; quyền tự do ý kiến và tự do ngôn luận; quyền lập hội vv... và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cũng là một quyền chịu sự giới hạnh, áp đặt của luật pháp quốc tế. Việt Nam là một quốc gia thành viên của liên hợp quốc luôn luôn tôn trọng và cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế mà mình tham gia ký kết hoặc công nhận. Bởi vậy vấn đề quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được quy định trong pháp luật nước ta đều phù hợp với tinh thần và nội dung của pháp luật quốc tế./.