banner
Thứ 5, ngày 6/2/2025
Tài liệu phiên chất vấn

TT

Nội dung chất vấn

TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA CÁC ĐƠN VỊ

(Click vào file đính kèm để tải về)

 

1

CÔNG TÁC HỖ TRỢ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN LẠI QUÁ TRÌNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Hiện nay, toàn tỉnh có 236 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên còn hiệu lực (trong đó, có 1 sản phẩm được công nhận 5 sao cấp quốc gia, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá; 14 sản phẩm 4 sao).

Theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có thời hạn 36 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 80 sản phẩm đủ 36 tháng “gắn sao” OCOP, điều đáng nói, trong đó có 13 sản phẩm được công nhận lại, còn lại 67 sản phẩm chưa được các chủ thể đề nghị đánh giá lại. Nguyên nhân chủ quan: là do nhiều chủ thể chưa nắm rõ quy định về công nhận đạt sao OCOP; cũng có chủ thể ngại làm hồ sơ, thủ tục vì mất khá nhiều công sức, thời gian và chi phí nên không mặn mà với việc đề xuất đánh giá, phân hạng lại sản phẩm. Nguyên nhân khách quan: Hiện nay, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí mới với nhiều nội dung, tiêu chuẩn khắt khe hơn, có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình để đáp ứng các yêu cầu gặp khó khăn, trở ngại, nhất là đối với các chủ thể là hội viên nông dân do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động.

Việc được gắn sao OCOP có thể được coi như “giấy thông hành” để sản phẩm có cơ hội chiếm lĩnh, mở rộng thị trường, từ đó, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho chủ thể sản xuất và các địa phương.

Thời gian tới, Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh có những giải pháp nào để hỗ trợ, giúp đỡ các chủ thể có sản phẩm cần được đánh giá, công nhận lại và không làm gián đoạn quá trình khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP.

  - Công văn Sở NN&PTNT

2

CHI TRẢ, HỖ TRỢ GẠO CHO NGƯỜI DÂN TRỒNG RỪNG ĐỂ CẢI THIỆN SINH KẾ

Thực hiện theo Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 30/5/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo Thông tư số 12/2022/TTBNNPTNT ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông có quy định “Xác định, lập danh sách đối tượng được trợ cấp gạo là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo có tham gia các hoạt động bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực (theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)”. Tại khoản 1, Điều 2 của Quyết định quy định “Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình người kinh thuộc diện hộ nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thủ tướng Chính phủ quy định có tham gia hoạt động hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ thuộc giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Như vậy, quy định về đối tượng được trợ cấp gạo khi tham gia các hoạt động hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nhưng đến nay vẫn chưa có định mức, hướng dẫn, quy định cụ thể về việc chi trả, hỗ trợ gạo cho bà con trồng rừng để cải thiện sinh kế.

Đề nghị đồng chí cho biết trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Khi nào thì triển khai nội dung này để hỗ trợ cho người dân được kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách này.

   - Công văn UBND tỉnh

  - Công văn Sở NN&PTNT

3

1. CHI TRẢ TIỀN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TU MƠ RÔNG

Qua các buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Tu Mơ Rông việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh giao cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Kon Tum -PGD huyện Đăk Tô chi trả lưu động tại các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Ngày 27/5/2024 UBND huyện Tu Mơ Rông nhận được thông báo việc chi trả triền DVMTR của năm 2023 cho các hộ dân trên địa bàn huyện Tu mơ Rông nhận tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Kon Tum - PGD huyện Đăk Tô. UBND huyện Tu Mơ Rông đã ban hành văn bản([1]) đề nghị tổ chức chi trả tiền DVMTR cho người dân tại trụ sở UBND các xã trên địa bàn huyện như trước đây vì hiện nay điều kiện đi lại của các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn, phát sinh nhiều khoản chi phí khác... Tuy nhiên, Phòng giao dịch huyện Đăk Tô vẫn không thực hiện chi trả lưu động cho các hộ dân trên địa bàn([2]).

Đồng chí cho biết có giải pháp nào để thực hiện việc chi trả lưu động tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm cho các hộ dân trên địa bàn tại UBND các xã. Vì khi chi trả tại xã thì chính quyền địa phương và hệ thống chính trị xã hội các xã quán triệt thêm về công tác chi tiêu đúng mục đích, quán triệt tuyên truyền cho nhân dân hiểu thêm và nâng cao trách nhiệm của hộ nhận khoán về công tác quản lý bảo vệ rừng.

2. CHI TRẢ TIỀN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG CHÊNH LỆCH CHO CÁC HỘ DÂN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN KON PLÔNG

Qua ý kiến, kiến nghị và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh. Trong đó Cử tri thôn ViKoa xã Pờ Ê huyện Kon Plông đã kiến nghị 03 lần ([3]) về việc "các hộ dân trên trên địa bàn  vẫn chưa nhận được tiền dịch vụ môi trường rừng bị chênh lệch từ 215.000/ha/năm lên 400.000/ha/năm theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chi trả bổ sung cho người dân." Tại báo cáo số 374/BC-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2023 về giải quyết trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Khóa XII nhiệm kỳ 2021-2026([4]) UBND tỉnh đã chỉ đạo "Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan căn cứ các quy định liên quan, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền hướng giải quyết theo quy định."

  Đề nghị đồng chí cho biết đến thời điểm hiện nay việc tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết theo quy định đối với nội dung này đến đâu? Và số tiền chênh lệch này có giải quyết được hay không để trả lời dứt điểm để người dân không còn chờ đợi?

  - Công văn Sở NN&PTNT

  - Công văn UBND tỉnh

4

VƯỚNG MẮC TRONG CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo Báo cáo số 174/BC-UBND ngày 04/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, trong đó xác định “Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc”. Tồn tại, hạn chế nêu trên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ ra trong các báo cáo gửi về Hội đồng nhân dân tỉnh; tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đây là được xem là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chậm triển khai thực hiện thi công các dự án và giải ngân kế hoạch vốn đã được bố trí, ảnh hưởng một phần đến các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu, chi ngân sách trên địa bàn tỉnh, không đạt kế hoạch đã đề ra.

Qua các phương tiện thông tin chính thống, được biết các tỉnh có “dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025”“dự án đường dây 500 kV mạch 3” đi qua được Chính phủ giao triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với khối lượng rất lớn, trong thời gian ngắn, nằm ngoài khối lượng công việc giải phóng mặt bằng của các công trình dự án theo kế hoạch hàng năm của các tỉnh, nhưng đến ngày 30/6/2024 đã hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng để giao cho Chủ đầu tư thực hiện thi công dự án theo tiến độ đề ra.

Vậy, xin được hỏi Ủy ban nhân dân tỉnh, vì sao cùng thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng tỉnh Kon Tum vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, chưa có giải pháp khắc phục, giải quyết dứt điểm các tồn tại. Đề nghi Ủy ban nhân dân tỉnh, cho biết cụ thể các khó khăn này là gì? Nguyên nhân vì sao? các giải pháp để giải quyết dứt điểm trong thời gian đến.

   - Công văn UBND tỉnh

5

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN THU NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2024

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh([5]), thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn năm 2023 là 3.371.663 triệu đồng, đạt 103,9% dự toán trung ương giao, đạt 74,9% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; trong đó, thu nội địa thực hiện cả năm 2023 là 2.995.656 triệu đồng, đạt 101,4% dự toán Trung ương giao, đạt 71,2% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Ước thực hiện thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 là 1.789.000 triệu đồng đạt 55% dự toán Trung ương giao, đạt 38,9% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao([6]).

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Khóa XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025. Trong đó, chỉ tiêu thu NSNN tại địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm và đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025. Trên cơ sở kết quả, số liệu về tình hình thu NSNN đến thời điểm hiện nay và tình hình thực tế của địa phương([7]).

Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài chính báo cáo làm rõ về tiến độ thực hiện thu NSNN trên địa bàn tỉnh như hiện nay có đảm bảo đạt dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm 2024 không? Đồng chí có giải pháp gì trong thời gian đến để thu đạt dự toán theo kế hoạch đề ra.

   - Trả lời Sở Tài chính

6

CHỈ TIÊU THÀNH LẬP MỚI DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập mới 1.500 doanh nghiệp. Theo Báo cáo số 207/BC-UBND ngày 25/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2025. Đến nay(18/6) tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 4.372 doanh nghiệp trong đó có 2.496 doanh nghiệp đang hoạt động, số còn lại đang tạm dừng hoạt động có thời hạn, đang làm thủ tục giải thể hoặc không hoạt động.

Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết từ nay đến hết nhiệm kỳ đại hội chúng ta có phấn đấu đạt được chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đã đề ra hay không? Nguyên nhân không đạt chỉ tiêu (nếu có) và theo đồng chí cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

   - Công văn Sở KH-ĐT

7

CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC TRANG TRẠI CHĂN NUÔI HEO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh có 104 cơ sở chăn nuôi heo (10 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 45 trang trại chăn nuôi quy mô vừa; 49 cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ). Qua giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thì trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nhất là các trang trại nuôi heo tập trung, chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn còn diễn ra; nhiều trang trại chăn nuôi heo chưa bảo đảm thủ tục pháp lý về môi trường; hệ thống thu gom, xử lý chất thải chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn nhưng đã hoạt động; bể chứa chất thải dễ sạt lỡ, có nguy tràn ra môi trường khi mưa lũ sẽ gây ô nhiễm môi trường([8]). Chăn nuôi heo là loại hình phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường([9]), nếu không có quy hoạch, không có giải pháp lựa chọn công nghệ bảo vệ môi trường phù hợp, sẽ gây ra hậu quả nặng nề về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh cho người và động vật nuôi; gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự nông thôn.

Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Có bao nhiêu cơ sở đã đủ thủ tục pháp lý môi trường theo quy định, bao nhiêu cơ sở chưa đủ thủ tục pháp lý môi trường theo quy định và hệ thống thu gom, xử lý chất thải chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn mà đã hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Trách nhiệm thuộc này về đơn vị, địa phương nào? và theo đồng chí cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp gì để tháo gỡ trong thời gian tới, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trong phát triển kinh tế, vừa đảm bảo các quy định pháp lý về môi trường.

   - Công văn Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn

  - Phụ lục kèm theo

8

VIỆC TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA NỘI DUNG "CẢI THIỆN DINH DƯỠNG" THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

 Nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Bộ Y tế hướng dẫn và UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện[10]. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, ghi nhận của Ban Văn hoá - Xã hội tại một số địa phương cho thấy, việc triển khai thực hiện nội dung trên còn nhiều lúng túng, phần lớn chỉ mới thực hiện ở bước rà soát, thống kê và cân đo trẻ từ 0-16 tuổi và quản lý phụ nữ mang thai, các hoạt động chính về cung cấp vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng, hoạt động truyền thông, dịch vụ tư vấn, thực hành bữa ăn dinh dưỡng… chậm được triển khai thực hiện hoặc kết quả thực hiện còn đạt thấp so với mục tiêu. Theo báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024[11] thì đến tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân vốn trung ương cho nội dung này chỉ đạt khoảng 15% (2,454 tỷ/16,888 tỷ). Mặt khác, việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị chủ trì, phối hợp giữa Phòng y tế, Trung tâm y tế, Trạm y tế ở các huyện, thành phố thực hiện không thống nhất nên rất lúng túng trong thực tế triển khai.

Đến thời điểm hiện nay đã gần hết giai đoạn thực hiện Dự án, đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân vì sao việc triển khai các hoạt động của nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” chậm được triển khai? Giải pháp khắc phục những hạn chế là gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đạt mục tiêu chung của Tiểu dự án “Cải thiện dinh dưỡng” trên địa bàn các huyện nghèo và đối tượng trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

   - Công văn Sở Y tế trả lời chất vấn

 

 


([1]) Công văn số 1529/UBND-VP, ngày 29/5/2024 của UBND huyện Tu Mơ Rông.

([2]) Văn bản số 180/2024/TB-LPBANK.ĐT ngày 31/5/2024 của Phòng Giao dịch Đăk Tô về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng.

([3]) Lần 1: Kiến nghị tại buổi TXCT sau Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh. UBND xã Pờ Ê đã tổng hợp gửi Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Thạch Nham về việc trả lời cho cử tri tại Công văn số 139/UBND-VP ngày 08/9/2021 của UBND xã Pờ Ê.

Lần 2: Kiến nghị tại buổi TXCT trước Kỳ họp thứ 5 HĐND huyện Kon Plông (Tại Báo cáo số 100/BC-UBND ngày 09/7/2023 về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 5 HĐND huyện)

Lần 3. Kiến nghị trước Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh tại Báo cáo số 19/BC-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND tỉnh.

([4]) UBND tỉnh trả lời: Năm 2020 các hộ dân thuộc thôn Vi Koa, xã Pờ Ê nhận khoán bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham thuộc lưu vực nhà máy thuỷ điện Sơn Trà 1. Số tiền dịch vụ môi trường thuộc lưu vực thuỷ điện Sơn Trà 1 có đơn giá thấp (205.011 đồng/ha/năm), không đảm bảo đơn giá chi trả cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng là 400.000đ/ha/năm theo như quy định. Ngày 28 tháng 9 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 3471/UBND-NNTN về việc đề xuất sử dụng kinh phí Trung ương bổ sung mục tiêu thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2021, trong đó tại mục 2 của văn bản, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét, cho phép địa phương sử dụng kinh phí Trung ương bổ sung mục tiêu năm 2021 còn lại là 10.198 triệu đồng (Theo Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) để chi trả khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư năm 2020 do mức hỗ trợ thấp hơn theo quy định của Trung ương (400.000 đồng/ha/năm) với tổng số tiền 4.233 triệu đồng. Ngày 18 tháng 10 năm 2021 Bộ Tài chính đã có Công văn số 11873/BTC-NSNN trả lời ý kiến đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, theo đó, Bộ Tài chính không thống nhất việc sử dụng nguồn kinh phí Trung ương bổ sung mục tiêu năm 2021 còn lại để chi trả tiền chênh lệch nhận khoán bảo vệ rừng và đề nghị tỉnh Kon Tum sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện. Lý do: Các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan căn cứ các quy định liên quan, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền hướng giải quyết theo quy định.

 

[5] Số liệu được cập nhật chỉnh lý đến ngày 10/01/2024.

[6] Hội đồng nhân dân tỉnh giao dự toán thu NSNN trên địa bàn: 4.600.000 triệu đồng.

[7] Hiện nay, nguồn thu các dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn trầm lắng, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Theo Báo cáo 05 tháng đầu năm chưa phát sinh số thu, ước 06 tháng: 103.000 triệu đồng.

([8]) Trang trại nuôi heo gia công Ngọc Ni, xã Kroong, thành phố Kon Tum; Trang trại chăn nuôi Anh Phong tại xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà; Trang trại chăn nuôi heo thịt Trần Hồng tại thôn Kon Đao Yôp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà; Trang trại chăn nuôi heo Hồ xuân lâm, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi….

([9]) Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí...

[10] Quyết định 1768/QĐ-BYT ngày 30/6/2022 của Bộ Y tế Hướng dẫn thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 3554/KH-UBND ngày 18/10/2023 của UBND tỉnh về Thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

[11] Báo cáo số 191/BC-UBND ngày 20/6/2024 về Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024 và đề xuất giai đoạn 2026 -2030