banner
Thứ 2, ngày 29/4/2024
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
10-6-2023
Sáng ngày 09/6/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thanh Hóa, Tiền Giang thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum có 03 lượt phát biểu của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh và các đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Tô Văn Tám với 10 kiến tham gia.
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh phát biểu. Ảnh: VM

Đại biểu Phạm Đình Thanh 03 có ý kiến tham gia. Một là, về nhóm đất nông nghiệp dự kiến quy định tại khoản 1, Điều 10 (dự thảo luật), đại biểu đề nghị cần nghiên cứu tách đất trồng lúa thành loại đất riêng và quy định 02 loại đất: đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm thành một loại đất nhằm tạo thuận lợi cho người dân linh hoạt trong việc chuyển đổi cây trồng theo yêu cầu của thị trường trong từng giai đoạn, đảm bảo phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Quy định này cũng đảm bảo phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 18-NQ/TW là "có chính sách phù hợp nhằm khai thác, sử dụng đất nông nghiệp với hiệu quả cao nhất".

Hai là, tại khoản 1 Điều 4 quy định: “Cá nhân là người sử dụng đất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được Nhà nước giao đất lần đầu đối với đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất, đất ở được miễn tiền sử dụng đất mà đã chuyển nhượng và không còn đất sản xuất, không còn đất ở, nếu được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ đối với đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất, đất ở được miễn tiền sử dụng đất thì không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trong thời hạn mười (10) năm kể từ ngày được giao đất lần thứ hai, trừ trường hợp được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không còn nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú để đến nơi khác hoặc do chuyển sang làm nghề khác hoặc không còn khả năng lao động, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự”. Trường hợp này, theo đại biểu Thanh nếu người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước nêm xem xét, có chính sách hỗ trợ phù hợp và yêu cầu người dân trả lại đất cho Nhà nước quản lý, để tạo quỹ đất giao cho các trường hợp khác ở địa phương đủ điều kiện và có nhu cầu về đất ở, đất sản xuất theo quy định của pháp luật.

Ba là, tại khoản 3, Điều 104 về trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất, quy định “Đối với tài sản gắn liền với đất được cấp phép xây dựng có thời hạn trong trường hợp đã có quy hoạch được phê duyệt, công bố nay đã hết thời hạn của giấy phép xây dựng thì chủ sở hữu tài sản không được bồi thường mà được hỗ trợ để tháo dỡ, di dời”. Đại biểu Thanh đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp hơn, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác quản lý của Nhà nước nhưng đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với người dân. Theo đại biểu, việc xin được cấp phép xây dựng có thời hạn trên đất quy hoạch thường rơi vào các trường hợp quá khó khăn, bức bách về chỗ ở và khi Nhà nước  thu hồi đất không có chính sách hỗ trợ thỏa đáng thì ngươi dân lại càng chồng chất thêm khó khăn trong cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu. Ảnh: VM

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng cho rằng vấn đề sử dụng đất đai như một nguồn lực và động lực cho lĩnh vực văn hoá, đây là quan điểm Nghị quyết 13 của Đảng đã khẳng định, coi văn hoá không chỉ là động lực tinh thần mà là một nguồn lực. Vì vậy, trong quá trình phát triển kinh tế thì phải tính toán đến các yếu tố văn hoá ngay từ trong khâu xây dựng kế hoạch đến khi triển khai tổ chức thực hiện.

Đại biểu Hùng đề nghị sửa đổi Luật Đất đai phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phải đồng bộ, tương thích vì Luật này có liên quan đến nhiều luật. Ở ngành Văn hoá có 4 luật, gồm: Luật Thể dục thể thao; Luật Điện ảnh; Luật về phòng chống bạo lực gia đình; Luật Di sản văn hoá. Tại Điều 10, khi phân loại về đất đai có đề cập đất dành cho văn hoá, thể thao nhưng lại không được cụ thể hoá khi nhận diện về phân loại đất. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo đưa những nội dung mà các luật khác đã quy định và trong thực tiễn luật khác đã vận hành để phù hợp với các luật có liên quan; phải tháo gỡ trong vấn đề về đất đai trong Luật Đầu tư công, trong hợp tác công tư nhằm huy động được nguồn lực từ xã hội.

Đại biểu mong việc sửa Luật Đất đai lần này phải tính toán, lượng hoá cho được và có những chính sách miễn giảm tiền sử dụng và tiền thuê đất đối với các cơ sở lưu trú. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, vì cơ sở lưu trú du lịch không chỉ phải là cơ sở lưu trú đơn thuần mà bao gồm cả khuôn viên, cảnh quan, các công trình phụ chiếm 30-40% trong tổng thể của cơ sở lưu trú. Không gian văn hoá này không chỉ cho cơ sở lưu trú mà phục vụ cả cộng đồng dân cư.

Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu. Ảnh: VM

Về quyền và nghĩa vụ công dân tại Điều 24 (dự thảo luật) có 07 quyền, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng trong đó có quyền hết sức quan trọng đối với công dân, đó là quyền sử dụng đất nhưng dự thảo luật lại không quy định. Đại biểu cho rằng, trước hết công dân phải có quyền sử dụng đất, rồi mới đến các quyền khác; nếu không có quyền sử dụng đất thì lấy đâu ra quyền bình đẳng và các quyền khác trong sử dụng đất. Đại biểu cho rằng tại Điều 24, cần quy định quyền đầu tiên phải là quyền sử dụng đất.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số quy định tại khoản 1, Điều 17 quy định: “Có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng”, đại biểu Tám cho rằng riêng đất ở phải đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng chứ không chỉ ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vì “có an cư mới lạc nghiệp”. Tượng tự như vậy ở khoản 2, Điều 17, đại biểu Tám cho rằng không nên thu hẹp đối tượng là ở vùng vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trừ những người dân tộc thiểu số làm dịch vụ, số còn lại cần phải có đất nông nghiệp để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

CTQH  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội chất vấn tại kỳ thứ 5
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về dự thảo sửa đổi các luật Nhà ở, Tài nguyên nước và Các tổ chức tín dụng
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Icon Đẩy nhanh giải ngân vốn để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia
Icon QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Icon Quốc hội thảo luận về Kinh tế - Xã hội
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về lấy phiếu tín nhiệm
Icon Cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp
Icon Cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc cho nhân lực y tế cơ sở
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE